‘Đại gia’ bán lẻ ngoại kiếm bạc tỷ nhờ hàng Việt
(DNTO) - Tập trung và hàng Việt thay vì hàng ngoại, Aeon Mall, Central Retail... kiếm tiền từ sự yêu thích của người tiêu dùng và hàng loạt lợi thế cạnh tranh mà hàng nội đang có được.
“Con cưng” của các nhà bán lẻ
76% người Việt ưu tiên lựa chọn hàng Việt, là nghiên cứu của Nielsen và cũng là định hướng mục tiêu cho các đại gia bán lẻ muốn phục vụ khách hàng nơi đây. Đó cũng là lý do không chỉ các chuỗi siêu thị nội mà cả các nhà bán lẻ ngoại đều mong muốn gia tăng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống của mình.
Hàng Việt Nam hiện đang chiếm tỷ lệ 60-96% trong các chuỗi bán lẻ của AEON, Mega Market, Big C, theo Bộ Công thương. Nhờ vậy, sau trên dưới thập kỷ bước chân vào Việt Nam, nhờ đánh đúng mục tiêu, nhiều ‘đại gia’ bán lẻ ngoại đã gặt mùa bội thu.
Central Retail (đơn vị đang sở hữu chuỗi bán lẻ đại siêu thị GO!, Tops Market, mini go! và LanChi Mart) thu về 14,1 tỷ bath (khoảng 9.600 tỷ đồng) từ thị trường Việt Nam trong quý đầu năm nay. Khoản doanh thu này chiếm 24% tổng doanh thu tập đoàn, chỉ sau thị trường mẹ Thái Lan. Năm 2022, đại gia này cũng thu về 53,4 tỷ bath (khoảng 36.200 tỷ đồng) ở thị trường Việt, tăng 34% so với năm trước đó.
“Một định hướng xuyên suốt của Tập đoàn là tăng số lượng và doanh thu các mặt hàng Việt Nam. Đó là lý do thời gian qua, tại các tỉnh thành có nông sản chủ lực, Central Retail đều tổ chức lễ hội nông sản như Sơn La, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long hay các mặt hàng đặc thù hơn như cá sông Đà. Các chương trình này đều ghi nhận doanh thu tăng đột biến.
Ngoài việc tổ chức bán tại siêu thị, Tập đoàn này còn sẵn sàng kết hợp với Sở Công thương các tỉnh tổ chức tuần hàng bán tại các trung tâm thương mại của mình để kích cầu tiêu dùng hàng Việt”, ông Lê Mạnh Phong – Giám đốc Vận hành hệ thống GO!/Big C vùng Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail, nói trong toạ đàm về kết nối tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hôm 14/11.
Tương tự, Aeon Mall ghi nhận doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ yên (gần 595 tỷ đồng), tăng thêm gần 850 triệu yên, lợi nhuận đạt 1,3 tỷ yên (hơn 220 tỷ đồng), tăng 392 triệu yên so với cùng kỳ năm trước, từ thị trường Việt Nam.
Chuỗi siêu thị đến từ Nhật Bản hiện đang có gần 2.700 nhà cung ứng hàng hoá tại Việt Nam. Để gia tăng số lượng nhà cung ứng và sản phẩm Việt, Tập đoàn bắt tay cùng Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, các hội chợ, triển lãm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước. Chiến lược “Best Sourcing” của Tập đoàn này sẽ định hướng xuất khẩu những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam qua hệ thống AEON toàn cầu.
“Tại Việt Nam, chúng tôi thu mua nhiều nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, dụng cụ gia dụng,… xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc,… Tập đoàn cam kết gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các nhà cung ứng tại đây”, ông Takao Kazaocha, Phó Tổng Giám đốc Khối Thu mua, Aeon Việt Nam, cho biết.
Cuộc cạnh tranh sòng phẳng
Giải thích lý do ưu tiên đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ của mình, đại diện Central Retail cho biết giá sản phẩm nông sản Việt Nam hiện cạnh tranh hơn rất nhiều mặt hàng nhập khẩu. Đặc biệt, chất lượng nông sản nội gần như không khác biệt so với hàng nhập ngoại, nhờ cải tiến quy trình trồng trọt, sản xuất. Ngoài cạnh tranh về giá, chất lượng, các mặt hàng nông sản Việt Nam đã xây dựng thương hiệu.
“Ví dụ mặt hàng dâu tây Sơn La, cách đây 5-6 năm còn rất chua, quả nhỏ, tức thua thiệt cả về hình thức và chất lượng. Nhưng 3 năm trở lại đây, so sánh với mặt hàng nhập khẩu tương tự và dâu Hàn Quốc đã không có nhiều khác biệt. Về mặt hình thức đã tương đương, thậm chí nhiều người tiêu dùng đánh giá chất lượng còn tốt hơn dâu Hàn Quốc, như vị ngọt hơn, khác biệt hơn, trong khi giá chỉ bằng 60-70%.
Hay mặt hàng cam, thông thường Central Retail thường nhập khẩu nhiều từ Úc, Mỹ, Ai Cập và có lượng tiêu thụ tốt. Nhưng giai đoạn cuối năm, các địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình…có rất nhiều sản phẩm cam, hình thức đẹp, được người tiêu dùng tín nhiệm mà giá chỉ bằng 1/2, 1/3 hàng ngoại”, ông Lê Mạnh Phong nói.
Đặc biệt, trong kinh doanh nông sản, điều mà các nhà phân phối lưu tâm là chuỗi cung ứng. Khi nhâp khẩu sản phẩm từ nước ngoài, buộc các đơn vị phải nhập khẩu số lượng lớn. Nếu thị trường xảy ra biến động hoặc chuỗi cung ứng gặp vấn đề về bảo quản thì rủi ro thất thoát rất lớn với nhà nhập khẩu. Nhưng với sản phẩm địa phương, những lo lắng này được giảm bớt.
“Với sản phẩm nội địa, gần như hàng từ nơi sản xuất vào siêu thị là có thể bán luôn, có thể chỉ cần diện tích kho lạnh rất nhỏ để lưu trữ tạm. Nhưng nếu kinh doanh hàng nhập khẩu thì chắc chắn phải xây dựng hệ thống kho lạnh lớn để bảo quản hàng hoá. Tính phức tạp trong quản lý hàng nhập khẩu sẽ lớn hơn”, ông Phong nói.
Giai đoạn 2023 -2027, Central Retail cho biết sẽ đầu tư thêm 50 tỷ baht (khoảng 33.900 tỷ đồng) để tăng số lượng siêu thị, cửa hàng lên 600. Khoản đầu tư này cao gấp 5 lần mức đầu tư 10 năm trước đó.
Trong khi đó AEON cũng coi Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, và đang bắt đầu tăng tốc mở rộng mô hình bán lẻ.
“Tập đoàn sẽ phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng của AEON được sản xuất ở Việt Nam”, đại diện ông lớn Nhật Bản nói về định hướng ổn định chuỗi cung ứng nhờ sản phẩm chất lượng, giá hợp lý của Việt Nam.