Cuộc 'sửa sai' của doanh nghiệp Việt để giữ 'trận địa' bán lẻ
(DNTO) - Trong cuộc đua tranh giành thị phần hiện nay, "ngôi vương" sẽ thuộc về những chuỗi bán lẻ biết tìm hướng đi mới thích ứng nhanh với xu hướng mới của người tiêu dùng, thậm chí còn có thể xây dựng hệ sinh thái khép kín cho chuỗi bán lẻ từ nhu yếu phẩm cho đến dược phẩm, F&B, điện máy…
Đã từng mất đến 50% thị phần
Nhìn lại cách đây hơn 10 năm, cuộc "đổ bộ" ồ ạt của các ông lớn "sừng sỏ" bán lẻ nước ngoài, đã lấn lướt khiến doanh nghiệp bán lẻ Việt gặp những khó khăn nhất định, khiến một lãnh đạo của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã phải kêu gọi “chúng ta khi đang còn là những cô gái đẹp thì phải bán đi (bán doanh nghiệp) nếu không "về già" sẽ không ai chú ý đến”.
Khi ấy, thậm chí một số doanh nghiệp như Phú Thái, Nguyễn Kim… dù được nhà nước "hà hơi, tiếp sức" nhưng rồi vẫn phải bán mình cho doanh nghiệp nước ngoài.
Các chuyên gia thương mại, nhà quản lý đều có nhận định, thời kỳ đó nhiều doanh nghiệp vừa phải bán đi hoặc phá sản vì làm ăn thua lỗ, nên đã mất đến 50% thị phần bán lẻ hiện đại vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Đi đôi với việc chiếm lĩnh các hệ thống các mạng lưới phân phối, hàng hóa nước ngoài cũng thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam và nghiễm nhiên được trưng bày ở những chỗ đẹp nhất, thuận tiện nhất.
Tình hình rất đáng lo ngại nếu làn sóng này còn tiếp tục diễn ra thì hệ thống phân phối Việt Nam sẽ cơ bản nằm gọn trong tay các nhà bán lẻ nước ngoài, bởi lẽ mất hệ thống phân phối là mất cả sản xuất hàng Việt, viễn cảnh từ vị thế chủ sân nhà phải đi làm thuê không quá xa vời.
Đứng trước khó khăn trên, không còn cách nào khác, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải "thay máu" để lột xác để giành thế chủ động hơn trên thị trường. Họ đã tự giác liên kết với nhau, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để có thể thâu tóm các công ty nước ngoài trong ngành phân phối bán lẻ. Điều đó đã lý giải vì sao những năm gần đây, diện mạo bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.
Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt là vào thời điểm tháng 12/2019, 2 tập đoàn Masan Group và Vingroup đã trở thành 1 tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam. Đây là "phép cộng" đẹp cho sự thay đổi nhận thức về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với nhau. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Liên tục 1-2 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, SG Coop đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Trước Auchan thì hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu công bố là thua lỗ, đã rút lui lần lượt ở thị trường Việt Nam.
Gần đây nhất, Tập đoàn Emart đã nhượng lại thương hiệu của mình trong 10 năm cho Thaco Trường Hải. Trước đó Shop&Go của Singapore cũng đã nhượng bán cho VinCommerce...
Ngược lại với tình hình không mấy sáng sủa và có chiều hướng "kém sắc" của các doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội đã và đang âm thầm mở rộng và chiếm lĩnh lại mảng phân phối hiện đại. Đó là Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu trên 80 trung tâm trên toàn quốc và gần như không có đối thủ trong phân khúc bán lẻ này. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc với những cú "bắt tay" liên kết của The CrownX, là đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ trực thuộc Masan. Hay từ tháng 4/2021 tới nay, tập đoàn SK Hàn Quốc đã rót 410 triệu USD vào The CrownX. Nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) đã rót 400 triệu USD vào The CrownX.
Hay phải kể đến việc cuối tháng 5/2021, Masan tiếp tục công bố đầu tư vào chuỗi cà phê Phúc Long để cùng tăng sức mạnh thương hiệu Việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Việt. Ở phía Nam, Saigon Coop cũng từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm riêng biệt, ngành hàng thực phẩm tươi sống chế biến sẵn, phát triển thêm các trung tâm thương mại, đại siêu thị khác, cùng các cửa hàng nhỏ tiện lợi, như Co.opFood, Co.op Smile...
Họ đặt mục tiêu đạt tối thiểu có 2.000 điểm bán lẻ vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Với Tổng Công ty thương mại Hapro – trực thuộc tập đoàn BRG, đã mở thêm hàng mấy chục điểm bán hàng ở Hà Nội để mở rộng thị phần kinh doanh, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu bán lẻ hiện đại ở Thủ đô từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Một hệ thống bán lẻ nội địa khác là Thế giới di động đã tích cực xây dựng chuỗi Bách Hóa Xanh trong vài năm gần đây để vươn lên Top 3 của các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam với 1.700 điểm bán tập trung tại TP.HCM và tiến tới phủ rộng trên toàn quốc.
"Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay còn "đáng gờm" hơn khi phát triển bán hàng đa kênh, theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số, đồng thời họ cũng tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ, giảm trung gian, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá trên thị trường. Một trong những điểm yếu nhất của hệ thống phân phối Việt Nam mà nhiều năm chưa được khắc phục, nay một số các doanh nghiệp Việt đã bước đầu “sửa sai”, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá.
Phải tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt
Mặc dù đã giành được vị thế sân nhà trong cuộc chơi bán lẻ, song để giữ được trận địa mới là điều đáng nói. Hiện, ngành bán lẻ cũng đã đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực đến từ các chính sách vĩ mô. Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Thời hạn áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú "hiến kế", để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của đất nước từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp Việt phải tự giác hoàn thiện về mọi mặt từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng với nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh. Bán lẻ phải luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm, mà Việt Nam đang có thế mạnh, đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt.
"Giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán "xanh chín", rộng cửa đón hàng hóa, ưu tiên hàng nông sản thực phẩm phải lên kệ ngay để tránh việc phải giải cứu thường xuyên xảy ra. Không ép giá, ép cấp, đưa những mức chiết khấu cao vô lý đối với hàng ký gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội tiêu dùng", ông Phú nhấn mạnh.
Hiện nay, doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn. Chính vì vậy, sự hợp tác liên doanh liên kết một cách chân thành và trách nhiệm là một điều hết sức cần thiết, chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, gây dựng niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng bởi mất niềm tin là mất tất cả.
Tình hình trên cho chúng ta thấy rất rõ ràng bức tranh sáng sủa của bán lẻ Việt. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt hãy cùng nhau hành động tạo ra những "vector tổng hợp" chung, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở cửa rộng thuận tiện để đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.
"Chiếc bánh" bán lẻ thơm ngon, béo bở có giá trị vào khoảng 142 tỷ USD và dự báo, sẽ lên mức 350 tỷ USD vào năm 2025, trong khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Theo đó, để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt.
Ông Quách Thế Phong, Giám đốc tư vấn Ipsos Việt Nam, nói: "Những nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều "đất" để thể hiện và cơ hội bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu - lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn".
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… Đây là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa cùng phát triển. Như vậy, cả doanh nghiệp nội và ngoại, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hoá, đều đang cố gắng mở rộng độ phủ, tiếp cận người tiêu dùng. Cuộc đua trên thị trường bán lẻ, suy cho cùng, kẻ chiến thắng là kẻ chiếm trọn được trái tim người khác, mà ở đây là người tiêu dùng.