Năm 2024, Trung Quốc có thể tăng nhập hàng Việt vì những lý do này
(DNTO) - Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ở gần, thay thế cho châu Âu, trong bối cảnh chi phí vận tải cao và xu hướng cọ sát thương mại với các nền kinh tế lớn khó có thể hạ nhiệt ngay.
Năm 2023, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn trở lại, giúp nền kinh tế phục hồi ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên do bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới chưa được như kì vọng, bất ổn địa chính trị có xu hướng gia tăng, khiến Trung Quốc và một số nền kinh tế trên thế giới có xu hướng gia tăng sự cọ sát thương mại.
Ông Lương Văn Tài, Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhận định, xu hướng cọ sát thương mại với các nền kinh tế lớn khó có thể hạ nhiệt ngay trong năm 2024. Do đó Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác thương mại với các nền kinh tế khác như ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy xu hướng hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024 cơ bản duy trì sự ổn định và dự báo sẽ đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn khác trên thế giới.
Năm 2025, Việt Nam – Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy trong năm 2024, các cơ chế hợp tác thương mại dự báo sẽ đi vào chiều sâu nhằm thực hiện tốt nhận thúc chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và đưa thương mại hai nước đạt kết quả tốt đẹp.
“Như vậy, trong các hoạt động thương mại, dự báo Trung Quốc sẽ ưu tiên hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp mang sản phẩm đến Trung Quốc. Các địa phương và hiệp hội của Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ngay trong tháng 3 này, đoàn doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông với 50 doanh nghiệp lớn địa phương sẽ sang Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp của ta tiếp cận và tìm kiếm cơ hội hợp tác”, ông Tài cho biết.
Ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cũng thông tin từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Cục đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh, ví dụ như Sơn Đông, các tỉnh phía Bắc Trung Quốc... Dự kiến trong năm nay sẽ đón khoảng 20 đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Vị này đề nghị phía Bộ Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương để đón đoàn một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, trong bối cảnh phí vận tải và tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang hướng tới nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu từ các vùng lân cận thay thế cho châu Âu. Các sản phẩm họ quan tâm nhiều trong thời gian qua gồm thực phẩm, bánh kẹo các loại, các sản phẩm đồ uống, nước ép đóng chai... Ngoài ra, dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu các nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng của Việt Nam.
Theo góc nhìn của Thương vụ, dư địa thị trường dành cho nông sản Việt Nam tại nước này còn rất lớn, đặc biệt các khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như khu vực phía Bắc, khu vực Hoa Đông... nơi người tiêu dùng có mức chi tiêu rất cao.
“Ví dụ năm 2023, trái sầu riêng Việt Nam đã từng bước chiếm thị phần tại Trung Quốc, với kim ngạch 2,1 tỷ USD trên tổng số 6,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của nước này. Điều đáng nói, sầu riêng Việt Nam mới được mở cửa vào thị trường từ tháng 7/2022, trong khi Thái Lan mở cửa thị trường hơn chục năm nay. Như vậy chỉ sau hơn 1 năm, sầu riêng Việt Nam đã đạt con số hơn 50% kim ngạch sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc. Với thành công của trái sầu riêng, các loại trái cây khác thế mạnh của ta hoàn toàn có thể đạt được kết quả tương tự”, ông Tài chia sẻ.
Trong năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Úc vươn lên là nước có quan hệ thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga; duy trì đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 229,8 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5%; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang nước này tăng 4,8%, nhập khẩu giảm 3,7%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc có giá trị 45,5 tỷ USD và có xu hướng thu hẹp so với những năm trước.
“Trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại lớn của Trung Quốc ghi nhận mức giảm sâu như Mỹ (-11,6%), Nhật Bản (-10%), Hàn Quốc (-13,5%)... hay trong khối ASEAN như Malaysia, Thái Lan (-5%), Indonesia (-6%), Philippines (-16%) thì có thể đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn khá khả quan. Đồng thời, xét ở cơ cấu xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, nhiều món hàng có thế mạnh của ta cũng tăng trưởng tương đối tốt”, ông Lương Văn Tài nhận định.