Thế hệ tiêu dùng mới tại Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam
(DNTO) - Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng khó tính và chọn lựa các sản phẩm hàng hoá có tính cá nhân hoá cao, mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Nếu tận dụng tốt xu hướng này sẽ có rất nhiều cơ hội mới dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mối quan hệ tốt với một nền kinh tế hàng đầu
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần thứ ba của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến 36 văn bản hợp tác song phương được ký kết, vượt xa hai lần trước đó. Sự kiện cũng đánh dấu việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên trong 11 tháng qua đạt hơn 155 tỉ USD, theo Tổng cục Hải quan.
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghiệp RCEP, cho biết doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa khai thác sâu hơn thị trường Trung Quốc, nếu tìm hiểu kỹ tình hình kinh tế, thị hiếu người tiêu dùng để tìm ra điểm tiếp cận phù hợp.
Về tình hình kinh tế, Trung Quốc vẫn dẫn đầu trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Trong quý đầu năm 2023, GDP của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 quý đầu năm, tỷ lệ đóng góp của chi tiêu, tiêu dùng vào tăng trưởng kinh tế tăng lên 83,2%. Tiêu dùng đóng vai trò là nguồn động lực lớn nhất, giúp cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.
Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tư nhân, lực lượng làm công tác ngoại thương chính của nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục diễn ra sôi động. 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 20,24 nghìn tỷ NDT, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất nhập khẩu của toàn Trung Quốc và tăng 3,1 điểm %.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu lớn nhất, đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu. IMF gần đây cũng nâng dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2023 và 2024, từ 5% và 4,2% lần lượt lên 5,4% và 4,6%. Tổ chức Hợp tác và Tăng trưởng kinh tế (OECD) mới đây đã nâng dự báo GDP của Trung Quốc năm 2023 từ 5,1% lên 5,2%”,
“Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi mạnh mẽ, đủ tiềm năng và dư địa phát triển, xu thế phát triển tích cực, lâu dài không thay đổi. ông Hứa Ninh Ninh nhận định.
“Điểm chạm” mới
Vị Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN cho biết, Hội nghị Thường vụ Quốc hội viện Trung Quốc ngày 1/12 vừa qua đã chỉ ra cần đẩy nhanh sự phát triển nhất thể hoá của thương mại trong và ngoài nước. Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn và có nhiều tiềm năng nhất trên thế giới. Nhu cầu về thực phẩm, quần áo, nhà ở, giao thông và văn hoá tinh thần là rất lớn. Nắm bắt được những đặc trưng mới của thị trường Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt và hiệu quả hơn nữa.
Theo vị này, xét từ góc độ cơ cấu vùng miền, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở khu vực miền Trung và miền Tây tăng nhanh hơn so với khu vực phía Đông Trung Quốc.
Nếu xét từ góc độ đối tượng người tiêu dùng, giới trẻ đã trở thành lực lượng chính trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Thế hệ người tiêu dùng mới sinh vào những năm 90, 2000 có yêu cầu cao hơn, sẵn sàng chi trả mạnh mẽ hơn cho sự mới mẻ, cá tính, chất lượng và trải nghiệm của những sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, sở thích và sự lựa chọn của người tiêu dùng ngày càng đa dạng. Người tiêu dùng không còn hài lòng với một chức năng hoặc một thương hiệu duy nhất mà đang tìm kiếm sự khác biệt và cá nhân hoá nhiều hơn, với các chức năng đa dạng hơn của từng sản phẩm tiêu dùng. Họ cũng không còn bị giới hạn bởi kênh mua sắm trực tuyến hay trực tiếp mà có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau để mua sắm, ví dụ thương mại điện tử trên mạng xã hội, trên livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới và nhiều hình thức đa dạng khác.
Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ coi tiêu dùng là hành vi đáp ứng nhu cầu cơ bản, mà còn tích hợp nó vào các bối cảnh cuộc sống, công việc khác nhau như du lịch, giáo dục và giải trí.
“Cơ cấu tiêu dùng tại Trung Quốc ngày càng nâng cao, từ số lượng đến chất lượng, từ vật chất đến tinh thần, từ tồn tại đến phát triển. Trình độ nhu cầu tiêu dùng không ngừng nâng cao, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan trâm đến chất lượng, an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường và các thuộc tính khác nhau của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm cao cấp, có chất lượng cao và có thương hiệu uy tín.
Từ góc độ dịch vụ, người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến các yếu tố như sự tiện lợi, tính chuyên nghiệp, cá tính, trải nghiệm dịch vụ và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ có chất lượng cao, có thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Họ quan tâm nhiều hơn đến cảm giác hạnh phúc mà sản phẩm, dịch vụ đem lại. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa, giàu cảm xúc và có trách nhiệm xã hội”, ông Ninh nói.
Không nên để vụt mất cơ hội
Vị chuyên gia cho biết Trung Quốc là thị trường đầy những cạnh tranh thay đổi, vì vậy doanh nghiệp Việt phải thích nghi thật nhanh với những thay đổi này.
Ông khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu những cơ hội kinh doanh mới trong những nhận thức chung, cam kết chung của 2 Chính phủ. Nắm rõ lộ trình thực hiện thương mại tự do, trong đó có FTA giữa Trung Quốc – ASEAN, RCEP, tận dụng cơ chế mở cửa lẫn nhau của các hiệp định này để mở cửa thị trường Trung Quốc.
“Doanh nghiệp có thể xây dựng các điểm bán hàng và gian hàng tại các khu chợ tổng hợp, chợ chuyên ngành ở các thành phố, đô thị lớn tại Trung Quốc. Việc này giúp tiếp cận tốt hơn thị trường Trung Quốc so với việc tham gia các hội chợ, triển lãm. Ngoài ra cần đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn các sản phẩm Việt Nam tại thị trường này”, ông Ninh gợi ý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển thị trường quốc tế rộng lớn hơn nhờ vào sự hỗ trợ cơ chế hợp tác giữa 2 nước như "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", tuyến đường liên vận quốc tế trên bộ, trên biển; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU...
“Tính đến tháng 11 năm nay, có 16.000 chuyến tàu chở hàng Trung Quốc sang châu Âu, vận chuyển 1,75 triệu TEU hàng hoá, tăng lần lượt 7% và 19% so với cùng kì năm trước. Các chuyến tàu Trung Quốc – châu Âu đã đến 217 thành phố ở 25 quốc gia châu Âu. Tuyến đường mới trên bộ trên biển quốc tế kết nối ASEAN với quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và vận tải”, ông Ninh thông tin.