IMF cắt dự đoán tăng trưởng cho Trung Quốc và khu vực Euro
(DNTO) - Quỹ Tiền tệ thế giới không đưa ra thay đổi cho mức tăng trưởng dự đoán 3% của toàn thế giới trong 2023, nhưng cảnh báo về kinh tế Mỹ, cắt giảm dự đoán cho Trung Quốc và khu vực Euro.
Ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ thế giới (International Monetary Fund - IMF) đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc và khu vực Euro và nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều, mặc cho “sức khỏe đáng nể” của nền kinh tế Mỹ.
Nhận định trên được tung ra trong bản báo cáo World Economic Outlook, IMF vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế toàn cầu trong 2023 ở mức 3% nhưng cắt giảm mức tăng trưởng của 2024 xuống còn 2,9% (thấp hơn mức dự đoán tung ra hồi tháng 7 là 3%). Con số này trong 2022 đã là 3,5%.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nói nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục từ ảnh hưởng của Covid-19, chiến tranh Nga-Ukraine và khủng hoảng năng lượng năm 2022, nhưng xu hướng tăng trưởng tách nhánh, đồng nghĩa với triển vọng “trung bình”.
Gourinchas nói các dự đoán như thế vẫn chỉ đến một “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế thế giới, nghĩa là sẽ không có khủng hoảng trầm trọng. Nhưng IMF vẫn cảnh báo các mối nguy cơ đến từ khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, giá hàng hóa bất ổn, sự chia rẽ quan hệ địa chính trị và lạm phát tăng cao.
Một nguy cơ mới xuất hiện là xung đột Israel-Palestine, giữa cuộc họp hàng năm của IMF tại Marrakech giữa các quan chức của 190 quốc gia, nên không được đưa vào bản báo cáo.
Gourinchas nói vẫn còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của cuộc chiến này đến nền kinh tế toàn cầu. IMF vẫn sẽ theo dõi diễn biến tình hình, ghi nhận giá dầu tăng 4% trong những ngày qua.
Theo nghiên cứu của IMF, một mức giá dầu tăng cao 10% sẽ có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 0,2% trong năm sau và đẩy lạm phát lên 0,4%.
Lạm phát tuy vẫn rất cao, nhưng đang có chiều hướng thuyên giảm khắp nơi trên thế giới. Dự đoán lạm phát sẽ đi xuống mức trung bình hàng năm (2023) là 6,9%, thấp hơn mức 8,7% và 5,8% trong 2024. Con số lạm phát đã là 8,7% trong 2022.
Thị trường việc làm vẫn còn mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở các nền kinh tế lớn, nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của lương bổng, giá cả đến lạm phát.
IMF cũng chỉ ra mức đầu tư đã thấp hơn so với trước đại dịch, với các doanh nghiệp cho thấy sự cẩn trọng hơn trong việc mở rộng và đầu tư mạo hiểm, do tình trạng lãi suất cho vay cao và ít hỗ trợ tài chính.
Gourinchas cho biết IMF khuyên nhủ các quốc gia cần phải tái tạo các hệ thống bảo hộ tài chính để đề phòng những biến cố trong tương lai.
IMF nâng dự đoán mức tăng trưởng cho Mỹ lên 0,3 điểm phần trăm, đạt 2,1% trong 2023 và 0,5 điểm phần trăm cho năm 2024, với lý do đầu tư doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Điều này khiến Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất vượt qua mức tăng trưởng dự đoán trước đại dịch.
Trung Quốc được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng 5% trong 2023, nhưng chậm lại chỉ còn 4,2% trong 2024, 0,2% và 0,3% thấp hơn so với mức dự đoán trước kia, do vấn đề khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu giảm.
Nếu khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bị mất 1,6% điểm, và cũng sẽ đẩy mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 0,6% - theo lời nhận định của Gourinchas.
IMF cắt giảm mức tăng trưởng của khu vực Euro xuống 0,7% trong 2023 và 1,2% trong 2024, thấp hơn mức 0,9% và 1,5% được đưa ra vào tháng 7.
Anh Quốc bị ảnh hưởng mạnh do giá năng lượng tăng cao, mức tăng trưởng dự đoán của quốc gia này chỉ tăng 0,5% trong 2023 và bị hạ xuống còn 0,6% trong 2024.
Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 2% trong 2023, với 0,6 điểm phần trăm được thêm vào do nhu cầu tiêu thụ, du lịch tăng cao, kèm theo chính sách tiền tệ ưu đãi và xuất khẩu ô tô hồi phục. IMF giữ vững mức tăng trưởng dự đoán của Nhật Bản trong 2024 là 1%.