Trung Quốc lại trượt lùi vào tình trạng giảm phát
(DNTO) - Các dữ liệu giá thị trường tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 10 cho thấy quốc gia này vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế hậu Covid-19.
Trung Quốc lại trượt lùi vào tình trạng giảm phát trong tháng 10 vừa qua, cho thấy công cuộc hồi phục kinh tế của quốc gia này vẫn còn rất khó khăn.
Hôm thứ Năm, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đưa ra nhiều dữ liệu cho thấy “sức khỏe” thị trường tiêu dùng tại đây. Cụ thể, giá cả tiêu dùng đã giảm 0,2% trong tháng 10, sau khi dao động gần mức zero trong hai tháng trước đó. Tình trạng này còn tệ hơn với mức dự đoán giảm 0,1% của các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg. Giá sản xuất vẫn tiếp tục giảm tháng thứ 13 liên tiếp, đi xuống 2,6% so với ước tính giảm 2,7%.
Chi phí tiêu dùng đã yếu dai dẳng trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 7 và liên tiếp khoáy sâu xuống so với năm ngoái. Hồi tháng 8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trấn an rằng giá cả sẽ phục hồi sau thời kỳ khó khăn mùa hè, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy niềm tin đó là quá lạc quan.
Bruce Pang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle Ltd, cho biết: “Việc chống tình trạng giảm phát kéo dài trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu ớt vẫn là một thách thức rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc… Cần có sự kết hợp giữa điều chỉnh chính sách và các biện pháp hỗ trợ”.
Đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài ít thay đổi ở mức 7,2854/đô la ngay sau khi dữ liệu trên được tung ra. Tỷ giá này chỉ lung lay tương đối kể từ khi bắt đầu giao dịch hôm thứ Năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giữ ổn định ở mức 2,65%.
Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong năm nay do các yếu tố trong nước như khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng yếu. Góp phần bên cạnh đó là các yếu tố quốc tế bao gồm giá hàng hóa toàn cầu giảm và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc thuyên giảm dẫn đến xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.
Sự sụt giảm giá cả tiêu dùng gần đây cũng bị thúc đẩy do giá thịt lợn giảm mạnh. Đây là một mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này và có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc. Các nhà sản xuất thịt lợn đã tăng khả năng cung ứng, đặt cược vào nhu cầu tăng cao sau khi các hạn chế chống dịch kết thúc vào cuối năm ngoái. Nhưng mức độ phục hồi cho nhu cầu tiêu dùng đã không như mong đợi.
Tuy nhiên, đây cũng có thể được xem là một tin vui cho các ngân hàng trung ương thế giới, vốn đang “vật lộn” với lạm phát. “Điều này cho thấy sẽ không có mối đe dọa nào cho lạm phát đến từ xuất khẩu của Trung Quốc”, theo lời nhận xét của Tommy Xie, chuyên gia kinh tế tại Oversea- Chinese Banking Corp Ltd. Vấn đề giảm phát thường làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, do các công ty ghi nhận thu nhập và lợi nhuận dưới dạng danh nghĩa. Nó làm tăng áp lực trả nợ của các công ty, một vấn đề lớn trong nền kinh tế có “đòn bẩy tài chính” cao như Trung Quốc. Đồng thời, giảm phát cũng gây tổn hại đến thị trường tiêu dùng vì người tiêu dùng có thể trì hoãn mua hàng, kỳ vọng giá sẽ giảm hơn nữa trong tương lai.
Theo dự báo của các nhà kinh tế, Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng CPI 0,5% trong năm 2023. Con số này thấp so với mục tiêu hàng năm của chính phủ Trung Quốc là tăng trưởng 3%.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh các biện pháp tài chính và nới lỏng chính sách tiền tệ, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất cho vay và mức tiền dự trữ của các nhà băng, cùng lúc phát hành thêm nhiều trái phiếu chính phủ.
Những nỗ lực đó đã giúp nâng cao nhu cầu về nguyên liệu thô trong vài tháng qua, nhưng không ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng.
Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng 14% trong năm tính đến tháng 10, trong khi mức thu mua quặng sắt để sản xuất thép tăng 6,5%. Thế nhưng, các nhà sản xuất từ chế tác đồng đến nhà máy đúc thép, nhà máy lọc dầu đều chứng kiến tỷ suất lợi nhuận của họ bị co hẹp do giá bán ra không theo kịp chi phí đầu vào.