Shein tìm cách trả lời nhiều cáo buộc để chuẩn bị IPO
(DNTO) - Shein đã trở thành một trong những nhãn hiệu “thời trang nhanh” (fast-fashion) thành công nhất thế giới. Nhưng nay họ phải tìm cách trả lời nhiều cáo buộc về lao động cưỡng bức cũng như vi phạm bản quyền để chuẩn bị cho IPO tại Mỹ.
Tham vọng lên sàn chứng khoán của Shein không phải là một bí mật, nhưng “gã khổng lồ” ngành “thời trang nhanh” (fast-fashion) sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại để có thể chiêu dụ Phố Wall.
Từ một nhãn hiệu bán lẻ nền web, tên tuổi của Shein đã bùng nổ chóng vánh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới ngả lòng với thiết kế thời trang có “gu”, lựa chọn vô vàn và giá bán rất dễ chịu.
Giá trị thị trường của Shein đã được dự đoán lên đến 66 tỷ đôla, với cựu nhân viên ngân hàng đầu tư Bear Stearns, Donald Tang, đứng danh chủ tịch và gương mặt chính thức.
Shein đang tìm cách thoát khỏi hình ảnh thời trang “bình dân” để trở thành một thế lực đủ khả năng so kè với các hãng bán lẻ khổng lồ gạo cội trên thị trường. Vì thế, IPO được đồn đoán là mục tiêu then chốt của họ.
Tuy vậy, tham vọng của họ bị vấy bẩn bởi rất nhiều cáo buộc, do mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Trong đó có các cáo buộc về sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng, vi phạm các điều luật lao động, gây nguy hại môi trường và đánh cắp thiết kế.
Shein đang tiến hành nhiều nỗ lực đối phó với các vấn đề đó, thuyết phục các nhà làm luật Mỹ để công ty này tham gia thị trường chứng khoán. Nhưng cùng lúc, hãng này đang kẹt trong vòng điều tra bởi các nhà làm luật Mỹ, dấy lên từ căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung.
Matt Kennedy, chiến lược gia thị trường IPO cấp cao của Renaissance Capital, cho biết: “Các nhà đầu tư ngày nay chỉ muốn một câu chuyện đơn giản. Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư chắc chắn sẽ né tránh tham gia hoàn toàn, ít nhất là cho tới khi các vấn đề được giải quyết”.
Nếu Shein có thể vượt qua các trở ngại kể trên, mà vẫn giữ được chiến thuật kinh doanh như hiện nay, thì họ có thể trở thành một thành công đáng nể trên Phố Wall - một chuyên gia cố vấn bán lẻ nhận xét.
Điều tra từ các nhà làm luật Mỹ cũng như từ báo chí đã phát hiện các sản phẩm của Shein có chứa cotton bị cấm. Loại cotton này đến từ vùng Xinjiang, nơi có nhiều bằng chứng về cưỡng bức lao động nhóm dân tộc Uyghur.
Để trả lời cho điều này, Shein cho biết họ sẽ tìm cách không sử dụng cotton đến từ Trung Quốc nữa, kèm theo việc liên tục thanh tra nội bộ để đảm bảo các nhà cung ứng nguyên liệu và sản phẩm của hãng đáp ứng các điều luật lao động.
Người phát ngôn của công ty cho biết, công ty đã tăng cường thanh tra trong năm nay và có kế hoạch tiến hành kiểm tra 90% sản phẩm mang thương hiệu Shein.
Chính quyền Washington cũng thường xuyên chỉ ra việc Shein là một hãng được thành lập tại Trung Quốc, và như thế đi kèm theo các mối lo ngại về tính minh bạch thông tin và bảo vệ quyền riêng tư cho thông tin người dùng.
Theo một số nguồn tin, Shein được thành lập tại Nam Kinh, Trung Quốc vào 2008, nhưng theo lời chính thức của Shein, họ là một công ty Singapore, thành lập vào 2012. Tất cả các thông tin về việc thành lập tại Trung Quốc đã được xóa khỏi trang web của Shein, và trụ sở chính được đăng ký tại Singapore vào 2019. Có báo cáo cho thấy Shein đã bỏ đăng ký gốc tại Nam Kinh vào 2021.
Để trả lời cho mối quan ngại về thông tin người dùng, Shein cho biết tất cả thông tin người dùng tại Mỹ sẽ được chứa trong các trung tâm máy chủ của Microsoft và Amazon tại các vùng bên trong nước Mỹ.
Một vấn đề lớn khác Shein thường xuyên bị kiện bởi các vi phạm bản quyền. Vào tháng 7, ba nhà thiết kế đã kiện công ty, cáo buộc việc vi phạm bản quyền của Shein quá nghiêm trọng, có thể coi là hành vi gian lận.
Để đối phó, Phó Giám đốc điều hành của Shein, Marcelo Claure, cho biết họ có “chính sách không khoan nhượng” cho các vi phạm bản quyền. Ông thừa nhận đôi khi có lỗi sai sót xảy ra, nhưng công ty ngay lập tức ngừng sản xuất mặt hàng bị cáo buộc và kiểm điểm đội ngũ thiết kế. Hơn thế nữa, công ty cũng ứng dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để tìm kiếm các vi phạm, và cho phép các nhà thiết kế báo cáo vi phạm.
Tuy nhiên, Shein vẫn là một công ty thời trang nhanh, với các sản phẩm nhanh chóng lỗi thời, độ bền thấp, sớm bị biến thành rác thải. Đây là một vấn đề khó giải quyết bởi nó là tính chất kinh doanh của Shein.
Sonia Lapinsky, chuyên gia bán lẻ của AlixPartners, cho biết: “Thế hệ trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường”.
Áp lực về vấn đề môi trường sẽ không chỉ đến từ phía các nhà làm luật mà còn đến từ người tiêu dùng. Liệu người tiêu dùng có còn sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm của Shein nếu họ tiếp tục chiến lược kinh doanh fast-fashion?