Dây chuyền sản xuất Apple 'tách nhánh' - Bài 1: Một bức tranh mới
(DNTO) - “Gánh nặng” từ mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng đã buộc Apple tìm đến những quốc gia khác cho chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, điều này có thể đẩy chi phí sang người tiêu dùng.
Mỗi năm, Apple lại điểm tên các hãng cung ứng sản xuất linh kiện cho iPhone, Macbook và các sản phẩm khác. Trong 2022, danh sách đó bao gồm 188 công ty, 80% trong số đó có “dây mơ rễ má” với Trung Quốc.
Từ lâu, Trung Quốc đã là trung tâm cho hệ thống sản xuất đáng ngưỡng mộ của Apple. Nhưng nay, với mối quan hệ địa chính trị Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, nhiều địa điểm sản xuất mới cho Apple đang mọc lên ở các quốc gia khác.
Phần lớn các trường hợp, linh kiện được thu thập từ nhiều nơi sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh thành sản phẩm chỉ trong một số địa điểm chủ chốt, trước khi được vận chuyển đến khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ đã nổi lên thành hai trung tâm sản xuất mới khi Apple “nâng cấp” danh sách các nhà cung ứng linh kiện. Nước ta và Ấn Độ đều có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và có lực lượng nhân công dồi dào, giá thành thấp.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn giữ vai trò then chốt trong hệ thống sản xuất của hãng “Trái táo”. Các doanh nghiệp sản xuất mới tham gia danh sách của Apple khiến số lượng đối tác từ Trung Quốc gần như không suy suyển kể từ 2012, dù cho Apple có tìm đến các lựa chọn mới tại châu Á.
Bức tranh mới
Khi bình minh chỉ mới thấp thoáng, đoàn xe tải và xe bus đã rồng rắn trên Quốc lộ 17 - một con đường huyết mạch dẫn đến trung tâm sản xuất thiết bị điện tử mới nhất của thế giới. Điểm đến của họ là cụm nhà máy nơi các công nhân ca tối đang uể oải ra về. Kế bên đó là tiếng loa ra lệnh cho đám đông người đang tìm kiếm việc làm tại Foxconn Technology Group, nhà cung cấp linh kiện lớn nhất của Apple.
“Chúng tôi có từ 150 đến 200 người hôm nay, và gần như tất cả sẽ được nhận vào làm”, một nhân viên tuyển dụng cho biết.
Những biến động tại tỉnh Bắc Ninh là sản phẩm phụ của cơn bão đang quét qua ngành điện tử quốc tế, kết quả chiến dịch của Mỹ, tìm cách kềm hãm sức phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc. Làn sóng này ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc với “đế chế” 3 nghìn tỷ đô la của Apple, buộc công ty này cùng các tên tuổi lớn trong ngành phải tìm đến các “vùng đất hứa” khác tại châu Á.
Khi các hãng sản xuất phải vất vả quản lý sản xuất ở những địa điểm còn mới mẻ, cùng với nhiều con đường vận chuyển xuất / nhập khẩu khác nhau, giá thành cung ứng linh kiện sẽ tăng lên. Điều này có thể đẩy chi phí “tách nhánh” của Apple sang người tiêu dùng, tăng giá thành phẩm lên cao.
Dữ liệu thống kê bởi Bloomberg cho thấy trong số 370 nhà cung ứng cho Apple, ai đang phải xây dựng nhà máy mới, cho thấy bức tranh biến đổi của hệ thống sản xuất, ngày càng trở nên dàn trải rải rác ra khắp châu Á.
Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, với các “điểm nóng” sản xuất nhỏ hơn xuất hiện ở các quốc gia lân cận. Các nhà sản xuất từ Mỹ đến Nhật Bản đã giảm thiểu sự hiện diện của họ tại Trung Quốc, và thậm chí cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng tham gia vào xu hướng này.
Trung Quốc vẫn là nơi tập trung hầu hết các nhà máy sản xuất cho Apple, và sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng cho công ty này. Nhưng xu hướng biến đổi thành một hệ thống cung ứng dàn trải hơn là một điều không thể bàn cãi.
“Apple là một biểu kế”, theo Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War - The Fight for the World's Most Critical Technology”.
“Apple là hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, và cũng là hãng có lợi nhuận cao nhất, nên tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng to lớn trong việc yêu cầu các nhà sản xuất thay đổi cách hoạt động” - Chris Miller.
Đổi thay lịch sử
“Cuộc chiến thuế quan” bắt đầu từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng tốc cuộc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của Apple. Nhưng thực chất, nền móng của chiến dịch này đã được thành lập từ lâu.
Nhiều công ty đã bắt đầu tìm kiếm các địa điểm sản xuất khác khi sức phát triển vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc khiến lương bổng tăng cao. Chính phủ các nước Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác đã rất mạnh tay mời chào các doanh nghiệp, bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi cho đầu tư, tái cơ cấu lương bổng và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Apple và những công ty tương tự đang đổ hàng tỷ đô la đầu tư vào những địa điểm sản xuất mới khắp nơi trên thế giới.
Vào 2012, không có hãng cung ứng nào cho Apple hoạt động tại Ấn Độ, nay con số đó đã là 14. Điện thoại smartphone iPhone 15 sẽ là mẫu smartphone Apple đầu tiên được xuất khẩu từ Ấn Độ, chỉ vài tuần sau lịch trình từ các nhà máy Trung Quốc.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã có mức tăng gấp 4 lần số lượng các công ty lắp ráp sản phẩm cho Apple.
Số lượng các nhà cung ứng tại Mỹ trong 2022 đã thấp hơn rất nhiều so với một thập kỷ trước, nhưng họ cũng giành được thắng lợi phần nào. Gần đây, hãng sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đã cam kết 40 tỷ đô la để xây dựng hai nhà máy chế tạo tại Arizona.