Tai ương kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào? - Bài 1: Mối quan hệ hai chiều
(DNTO) - Những tưởng sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng dữ dội đến kinh tế Mỹ, nhưng có thể thực tế sẽ rất khác biệt.
Những tin xấu về thực trạng kinh tế Trung Quốc được đưa ra liên tiếp, dồn dập trong những tuần qua. Sức tăng trưởng kinh tế hàng năm của quốc gia này đã rơi từ mức 8% xuống chỉ còn 3%. Một loạt tập đoàn bất động sản được gầy dựng trong thập kỷ qua nay tan tành mây khói. Và cư dân Trung Quốc, kiệt quệ sau chiến dịch chống Covid-19 dai dẳng, không còn mấy tự tin để chi tiêu.
Sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mang đến những gì cho nền kinh tế lớn nhất - Mỹ? Và điều đó có ý nghĩa gì với nền kinh tế toàn cầu?
Nói một cách ngắn gọn: Hiện tại, ảnh hưởng từ Trung Quốc đến Mỹ vẫn còn nhẹ, do vai trò “khách hàng” của Trung Quốc không lớn lắm đối với Mỹ, trong khi hệ thống tài chính của hai quốc gia này không mấy dây dưa với nhau.
Trong một báo cáo tung ra vào thứ Năm tuần trước, Wells Fargo đã giả lập một tình huống “hạ cánh cứng” khi mức tăng trưởng trong vòng ba năm tới của Trung Quốc nhỏ hơn 12,5% so với con số trước kia, tương tự với thời kỳ 1989-1991. Dù trong tình trạng đó, kinh tế Mỹ cũng chỉ bị mất đi 0,1% mức tăng trưởng trong 2024, và 0,2% trong 2025.
Điều này có thể thay đổi, nếu vấn nạn của Trung Quốc lún sâu hơn thành một cuộc sụp đổ hoàn toàn, kéo theo Mỹ và toàn bộ ngành kinh tế thế giới.
Xu hướng đổi chiều
Sự thay đổi trong nền kinh tế Mỹ đã phần nào làm nặng thêm vấn đề của Trung Quốc. Mỹ đã qua thời kỳ tiêu thụ bùng phát của dịch Covid-19, khi họ kéo 536,8 tỷ đô la giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong năm 2023, các hộ gia đình đã “no nê” đồ nội thất và điện gia dụng, cư dân Mỹ quay sang chi tiêu cho các chuyến du lịch hay vé xem buổi diễn của Taylor Swift. Nhu cầu hàng hóa từ các nhà máy của Trung Quốc đã yếu, lại càng bị kéo xuống bởi chính sách tăng thuế nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Donald J. Trump và Joe Biden.
Qua một thời gian dài, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh việc cần phải dùng sức tiêu dùng trong nước để đẩy mạnh nền kinh tế. Nhưng họ chưa thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy các hộ gia đình tại Trung Quốc chi tiêu mạnh mẽ hơn.
Chính vì thế nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại với chiến thuật tăng cường xuất khẩu. Bởi chiến thuật này thích hợp hơn với đồng Nhân dân tệ, vốn rất yếu so với đồng đô la, và họ vẫn có thể né tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ bằng cách lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc tại các quốc gia trung gian như Mexico hay Việt Nam.
“Thuốc” cho lạm phát
Mức xuất khẩu tăng cao từ Trung Quốc sẽ có hai hiệu ứng. Đầu tiên, nó sẽ đẩy giá hàng hóa đi xuống, và trở thành “thuốc” giúp hạ lạm phát tại Mỹ. Nhưng đồng thời, điều này sẽ đe dọa công cuộc hồi phục ngành sản xuất tại Mỹ, “tăng nhiệt” cho mùa bầu cử đang tới gần.
Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết: “Tôi lo sợ đường lối tăng cường xuất khẩu của họ sẽ đối đầu với một thế giới không còn muốn dựa dẫm vào ngành sản xuất của Trung Quốc, và dẫn đến nhiều căng thẳng hơn nữa”.
Ở mặt trái ngược, nguồn hàng từ Mỹ đi vào Trung Quốc không đáng kể. Trung Quốc chỉ tiêu thụ 7,5% hàng xuất khẩu từ Mỹ trong 2022. Tuy các doanh nghiệp Mỹ rất muốn đi vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với các mặt hàng nông nghiệp như thịt heo và gạo, nhưng họ không mấy thành công.
Vào 2018, chính quyền Trump đã đàm phán một thỏa thuận để Trung Quốc mua lại hàng tỷ đô la sản phẩm từ nông dân Mỹ. Nhưng đến nay mục tiêu đó vẫn chưa đạt được, và có lẽ sẽ không bao giờ thành hiện thực khi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc thuyên giảm. Như thế, giá thực phẩm trên toàn thế giới sẽ giảm, nhưng nông dân khắp nơi sẽ bị ảnh hưởng.
“Nếu nhu cầu cho bắp và đậu nành của họ tăng cao, nó sẽ có lợi cho tất cả các nhà sản xuất khắp thế giới” - Roger Cryan, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Cục Nông trại Hoa Kỳ cho biết.