Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande tuyên bố phá sản tại Mỹ
(DNTO) - Vốn đang gặp rắc rối, tập đoàn bất động sản Evergrande đã chính thức tuyên bố phá sản tại Mỹ, tiến hành các bước thủ tục để tái cơ cấu tài sản và nợ nần.
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc, Evergrande, đã chính thức đăng ký đi vào diện phá sản qua một tòa án Mỹ, tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền trong khi họ tiến hành một trong những công cuộc tái cơ cấu tài sản, nợ nần lớn nhất thế giới.
Evergrande đăng ký phá sản theo Chương 15, Luật Phá sản Mỹ, đưa vào diện các doanh nghiệp nước ngoài đang trong quá trình tái cơ cấu, được bảo vệ khỏi chủ nợ, cho phép họ có thời gian xử lý tài sản tại Hoa Kỳ.
Đây là hành động mang tính thủ tục, nhưng là một bước rất cần thiết cho số tài sản có trị giá khổng lồ 300 tỷ đô la của Evergrande. Riêng tài sản bên ngoài Trung Quốc, Evergrande sở hữu đến 31,7 tỷ đô la, bao gồm trái phiếu, tài sản thế chấp và hợp đồng mua lại.
Evergrande đã công bố kế hoạch tái cấu trúc nợ nước ngoài vào tháng 3, hy vọng kế hoạch này sẽ tạo điều kiện tạo ra dòng tiền, dần dần trở lại hoạt động bình thường. Hãng này hiện đang tìm kiếm hỗ trợ từ chủ nợ để hoàn thành quá trình.
Giao dịch cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ ở Trung Quốc kể từ tháng 3/2022. Cổ phiếu dịch vụ, Evergrande Services tại thị trường Hồng Kông đã giảm tới 20% trong thứ Sáu, trong khi cổ phiếu xe điện, China Evergrande New Energy Vehicle Group, mất tới 17%.
Từng là một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, nay Evergrande lại trở thành một ví dụ điển hình cho tình trạng khủng hoảng nợ nần của ngành bất động sản, vốn chiếm đến ¼ nền kinh tế Trung Quốc.
Trong thời kỳ khủng hoảng thanh khoản giữa 2021, một loạt các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ với chủ nợ nước ngoài, dẫn đến ngưng trệ xây dựng, sụt giảm doanh số và làm mất lòng tin của giới đầu tư, cùng lúc giáng một đòn đánh đau cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Số công ty bất động sản Trung Quốc tuyên bố phá sản chiếm đến 40% doanh số toàn quốc gia, với hầu hết là công ty tư nhân.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Longfor Group, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, cho biết họ cũng đang tăng tốc tái tổ chức “cơ cấu lợi nhuận” để thích ứng với tình hình cung, cầu của thị trường bất động sản.
Tianji Holdings, một công ty liên quan đến Evergrande, cũng đã đăng ký bảo vệ phá sản vào hồi thứ Năm tuần trước, thông qua một toàn án tại Manhattan, Mỹ.
Vào tháng 6 năm ngoái, một hãng phát triển bất động sản khác là Modern Land, đã không thể trả nợ nước ngoài và cũng đã tuyên bố phá sản theo Chương 15 tại New York.
Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã là một trong những tác động chính gây biến động cho một nền kinh tế đang trở nên yếu ớt, đối mặt với nhiều vấn đề từ sức tiêu thụ thuyên giảm, hoạt động sản xuất đi xuống, nạn thất nghiệp bùng phát, cũng như ảnh hưởng từ kinh tế, địa chính trị thế giới.
Tuần vừa qua, Morgan Stanley cùng một loạt các hãng môi giới lớn đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế trong 2023 của Trung Quốc xuống còn 4,7%, thấp hơn mức 5% trước kia. 5% cũng là mức tăng trưởng mà chính phủ Trung Quốc đang nhắm tới.
Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc thậm chí còn gây ảnh hưởng lan rộng ra ngoài Trung Quốc. Thị trường chứng khoán châu Á đang hướng tới mức thuyên giảm 2,8% trong tuần này, đánh dấu 3 tuần giảm liên tiếp. Các cổ phiếu an toàn (blue-chip) của Trung Quốc, vốn từng được ưu ái bởi giới đầu tư nước ngoài, đã giảm 0,5%, trong khi chỉ số Hang Seng Index tại Hồng Kông giảm 1,3%.