Thực trạng mới cho nền kinh tế toàn cầu với sự chậm lại của Trung Quốc - Bài 1: Vật lộn tìm giải pháp
(DNTO) - Ảnh hưởng từ hiện tượng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ mang đến một thực trạng mới cho nền kinh tế toàn cầu, và không chỉ đơn giản là sự thuyên giảm trong tiêu thụ hàng hóa.
Mức phát triển của nền kinh tế Trung Quốc rất có thể sẽ trải qua một thời kỳ “hãm phanh” lâu dài, ngay vào thời điểm quốc gia này kỷ niệm công cuộc cách mạng cải cách 45 năm. Một viễn cảnh như thế sẽ đem lại nhiều thay đổi cho nền kinh tế toàn cầu.
Tình hình khó khăn
Mục tiêu tăng trưởng chỉ 5% mà Trung Quốc đặt ra cho 2023 vẫn là một con số rất thấp so với mức tăng trưởng GDP bình quân 9% hàng năm kể từ 1978.
Thứ Hai tuần vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã bận rộn thảo luận về các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế nước họ, cam kết sẽ “kịp thời điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách” để chống đỡ cho ngành bất động sản đang bị vùi dập, đồng thời cải thiện thị trường việc làm hướng tới các mục tiêu chiến lược.
Các quan chức cũng mong muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết các vấn đề nợ địa phương.
Nhìn chung trong quý vừa qua, sản lượng kinh tế của quốc gia này chỉ tăng 0,8%, chậm hơn mức 2,2% của ba tháng đầu năm. Trong khi đó, vấn nạn thất nghiệp việc làm ở giới thanh niên đã đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Điểm sáng duy nhất là tăng trưởng sản lượng công nghiệp tăng lên 4,4% so với cùng tháng năm ngoái (3,5%).
Mục tiêu tăng trưởng chỉ 5% mà Trung Quốc đặt ra cho 2023 vẫn là một con số rất thấp so với mức tăng trưởng GDP bình quân 9% hàng năm kể từ 1978.
Vật lộn tìm giải pháp
Trong những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã công bố một loạt các cam kết nỗ lực cải thiện tình hình, nhắm vào các phân khúc cụ thể để trấn an các nhà đầu tư tư nhân cũng như từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây vẫn là các biện pháp chung chung, không đủ chi tiết.
Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng giới lãnh đạo nước này “tỏ vẻ lo ngại rõ ràng”. Bản báo cáo cuộc họp quốc hội mới nhất nhắc đến các “hiểm họa” 7 lần, so với chỉ 3 lần trong báo cáo hồi tháng 4. Giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ vẻ muốn cải thiện nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Julian Evans-Pritchard nhận xét, “Cuộc họp Politburo mang giọng điệu ‘bồ câu’, cho thấy họ vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện tình hình, và sẽ còn nhiều giải pháp chính sách được tung ra trong các tháng tới”.
Tuy vậy, “sự thiếu vắng của những công bố thay đổi chính sách lớn cho thấy họ không muốn vội vàng hay đang gặp khó khăn để tìm ra một giải pháp thích hợp. Dù là tại sao đi chăng nữa, thì viễn cảnh tương lai khá là đáng ngại”.