Thực trạng mới cho nền kinh tế toàn cầu với sự chậm lại của Trung Quốc - Bài 2: Tác động thứ cấp
(DNTO) - Xu thế thay đổi từ Trung Quốc sẽ tạo ra một môi trường mới cho kinh tế thế giới, đặc biệt là trong thị trường mặt hàng và sản xuất tiên tiến.
Ba tầng dư chấn
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang “quằn quại” với ảnh hưởng của ba chấn động: Thời kỳ chịu đựng các chính sách chống Covid-19 gay gắt, thị trường bất động sản yếu ớt và loạt thay đổi chính sách đi theo tầm nhìn “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình - theo đánh giá của Rory Green, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại hãng tư vấn kinh tế TS Lombard.
Trung Quốc chỉ mới vượt qua thời kỳ chống Covid-19 gần đây, nên hầu hết các vấn đề đều bắt nguồn từ lý do này. Thế nhưng Rory Green cảnh báo nếu chính quyền Trung Quốc không vào cuộc nhanh chóng thì “tác hại của thời kỳ chống Covid có thể sẽ kếp hợp với các ‘cơn gió ngược’ từ thị trường bất động sản, sự bóc tách khỏi nền kinh tế thế giới do căng thẳng chính trị, và thay đổi nhân khẩu học, sẽ đẩy Trung Quốc xuống mức phát triển còn tệ hại hơn nữa”.
Nhiều công ty quốc tế vẫn dựa dẫm vào thị trường khổng lồ tại Trung Quốc, sự chậm lại này sẽ khiến quốc gia này trở nên “kém hấp dẫn hơn”, kìm hãm dòng tiền đầu tư và phát triển sản xuất, dẫn đến tăng tốc quá trình bóc tách nền kinh tế Trung Quốc khỏi các nền kinh tế phương Tây.
Theo TS Lombard, nền kinh tế Trung Quốc sẽ dần ổn định vào cuối 2023, nhưng sẽ đi vào một thời kỳ chậm lại lâu dài, tuy chưa đến nỗi trở thành dạng lạm phát đình đốn (stagflation) như Nhật Bản vào 1991.
Tác động thứ cấp
Đối với nền kinh tế thế giới, hiệu ứng rõ rệt nhất từ sự chậm lại của Trung Quốc sẽ là ảnh hưởng trong các phân khúc sản phẩm hàng hóa và sản xuất công nghiệp. Khi Trung Quốc tìm cách điều chỉnh ra khỏi sự lệ thuộc vào ngành bất động sản, nó sẽ chấm dứt việc “hấp thụ và đẩy giá hàng hóa lên cao” - theo TS Lombard.
“Những ngày đó đã qua rồi. Trung Quốc vẫn sẽ đầu tư rất nhiều, nhưng sẽ thay đổi sang các phân mảng khác như phần cứng công nghệ, sản xuất cấp cao như xe điện, tấm pin mặt trời, robot, linh kiện bán dẫn”- Rory Green nói.
Lấy ví dụ điển hình: Dịch chuyển hướng tập trung ra khỏi ngành bất động sản sang sản xuất xe điện sẽ biến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức từ quan hệ có lợi hai bên trở thành đối thủ cạnh tranh.
Ngoại trừ việc mất đi nhu cầu hàng hóa, phản ứng của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tạo ra một “tác động thứ cấp” cho nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc đang có khả năng sản xuất rất nhiều thể loại hàng hóa, với chất lượng cao hơn bao giờ hết, nhưng họ không thể tiêu thụ hết sản phẩm nếu chỉ dựa vào thị trường trong nước. Và khi họ bỗng dưng có hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ không đầu tư và bất động sản, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trút hầu bao vào đầu tư công nghệ sản xuất, khiến hiện tượng này kéo dài.
“Và như thế, tác động thứ cấp sẽ là một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong thể loại hàng hóa sản xuất tiên tiến” - Rory Green nói.
Tuy vẫn chưa rõ liệu các hộ gia đình Trung Quốc, các ngành nghề tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước sẽ phản ứng như thế nào với tình huống thay đổi, nhưng có thể nói chắc chắn quốc gia này đang ở thời điểm chuyển mình quan trọng.
“Nó sẽ là một phiên bản chậm hơn của Trung Quốc so với thời kỳ trước Covid. Đây sẽ là một phiên bản mới với những động lực và đặc điểm khác biệt” - Rory Green, TS Lombard.