Trung Quốc đang chậm lại và những ảnh hưởng đến kinh tế trong nước
(DNTO) - Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn khiến đang dấy lên lo ngại về việc ảnh hưởng tới kinh tế trong nước, tuy nhiên, theo nhận định từ Mirea Asset, tác động của Trung Quốc mặc dù vẫn rất đáng kể nhưng đang giảm đi.
Sau giai đoạn dài thi hành các chính sách chống dịch bệnh Covid-19, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, thể hiện qua nhiều sự kiện và các con số không đạt như kỳ vọng.
Đáng kể là sự biến động của các công ty bất động sản hàng đầu trong nước là Country Garden và China Evergrande. Trong khi Country Garden với khoản nợ khổng lồ lên đến khoảng 200 tỷ đô la, đồng thời đang trễ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu lên đến hàng tỷ đô la thì Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Tăng trưởng GDP quý 2 của nước này chỉ đạt 6,3% thấp hơn mức kỳ vọng là 7,1%. Các chỉ số kinh tế tháng 7 khá ảm đạm khi tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm tốc sâu nhất trong ba tháng gần đây, nguy cơ giảm phát thấy rõ; xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua.
Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 7 chỉ đạt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái dưới mức dự báo là 4,4% khi hoạt động sản xuất trong nước giảm tốc, vay ngân hàng mới tháng 7 đã giảm đến 89%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009 và cùng đó, là sự gia tăng cao của tỷ lệ thất nghiệp thanh niên.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Trung Quốc đã phải thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất cho vay. Hiện, nước này đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm lần thứ hai trong năm 15 điểm cơ bản xuống 2,5%, sau lần đầu tiên vào ngày 13/6.
Với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc, những biến động trên là đáng kể và việc có thể tác động tới kinh tế trong nước cũng là điều khó tránh. Dù vậy, theo Mirea Asset, kinh tế Trung Quốc vẫn có điểm sáng khi tăng trưởng GDP vẫn là tăng trưởng dương với các chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng hỗ trợ. Theo đó, những tác động tới Việt Nam sẽ giảm đi.
Trước hết, trong nước, du lịch 7 tháng đầu năm của Việt Nam ghi nhận du khách Trung Quốc đã giảm mức đáng kể, chỉ chiếm 11% so với tỷ lệ trên 30% trước đại dịch.
Về xuất khẩu, nhiều mặt hàng vẫn có tăng trưởng khá tốt như sản phẩm điện tử, linh kiện, rau quả. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang nước này tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một điểm sáng trong khi các thị trường xuất khẩu khác bị sụt giảm. Trong khi đó, nhập khẩu trong nước từ Trung Quốc lại giảm tới 18% do sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại.
Đặc biệt, lĩnh vực thu hút FDI được nhận định là một điểm sáng.
"Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc+1, nhờ Việt Nam thúc đẩy đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII được thông qua gần đây, cũng như chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam", Mirea Asset cho biết.
Điều đáng nói, nội lực kinh tế trong nước đang có nhiều khởi sắc bước đầu, một tiền đề quan trọng để Việt Nam không phải chịu tác động mạnh từ bất kể yếu tố nào.
Các con số trong tháng 7 cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất giảm nhẹ nhất trong 5 tháng gần đây; sản xuất công nghiệp tăng hơn tháng trước; xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu thu hẹp đà giảm; doanh thu du lịch lữ hành tăng so với cùng kỳ nhờ lượng khách quốc tế.
"Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng rất lớn đến từ việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ", các chuyên gia nhận định.