‘Soi’ sức khỏe của bạn hàng Trung Quốc
(DNTO) - Đất nước 1,4 tỷ dân chưa phục hồi như kỳ vọng nên thương mại vẫn chưa thể khởi sắc. Chưa kể, Trung Quốc còn đang khá mạnh tay với việc kiểm soát các lô hàng trái cây từ Việt Nam sang nước này.
‘Anh bạn’ láng giềng vẫn chưa thực sự ‘khỏe’
Thông tin cập nhật về tình hình thị trường Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết tình hình kinh tế của nước này trong 6 tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang đối mặt với môi trường quốc tế và địa chính trị phức tạp.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm tăng 5,5% so với cùng kỳ và thấp hơn kỳ vọng với nhiều dự đoán trên 7%.
Tháng 6, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) liên tiếp tháng thứ 3 ở dưới mức 50 điểm, đạt 49 điểm, mặc dù đã tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 5.
CPI tháng 6/2023 cơ bản không tăng so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng đầu năm CPI tăng 0,7%, là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, PPI của tháng 6 (-5,4%) và 6 tháng (-3,1%) đầu năm đều giảm so với cùng kỳ, là tốc độ giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2015.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tháng 6 là 5,2%, bình quân 6 tháng đầu năm là 5,3%, trong độ tuổi từ 16-24 ghi nhận ở mức cao nhất là 21,3%.
Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 6 chỉ tăng 3,1% và thấp hơn mức dự kiến; lũy kế 6 tháng tăng 8,2%. Trong nhóm này, dịch vụ ăn uống, thể thao, giải trí, rượu bia và thuốc lá ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm tăng 3,8%, cao hơn so với mức dự đoán 3,5%. Đầu tư vào sản xuất tăng trưởng với tốc độ ổn định, trong khi tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng chậm lại.
Về ngoại thương, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch ngoại thương tháng 6 giảm 10,1% tính theo USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.918,2 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu 1.663,4 tỷ USD, giảm 3,2% và nhập khẩu 1.254,7 tỷ USD, giảm 6,7%. Các đối tác thương mại chính của Trung Quốc không ghi nhận sự biến đổi lớn về thứ tự, lần lượt bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Trong nửa đầu năm nay, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,7 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này đạt 39,5 tỷ USD, tăng 0,2% và nhập khẩu đạt 66,2 tỷ USD, giảm 5,9%. Trong ASEAN, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc (theo Hải quan Trung Quốc).
Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong quý 3 tới sẽ ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực trong bối cảnh nhiều nước cùng xuất khẩu sang Trung Quốc đều sụt giảm mạnh như Hàn Quốc (giảm 24,9%), Nhật Bản (giảm 17%), Đài Loan (giảm 24,3%), Thái Lan (giảm 12,5%), Philippines (giảm 21%), Malaysia (giảm 9,6%), Singapore (giảm 12,6%).
Tuy vậy, theo ông Lương Văn Tài, Tùy viên thương mại bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, sẽ có một số chính sách, quy định, xu hướng thị trường nước sở tại có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể, việc nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản xả thải buộc Trung Quốc áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số tỉnh của Nhật Bản. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại cá biển, thực phẩm chế biến…sang thị trường tỷ dân.
Trung Quốc cũng vẫn mạnh tay trong việc ngăn dịch bệnh xâm nhập. Trong tháng 7, đất nước tỷ dân đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Bosnia và Croatia khi 2 nước này có dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc liên tục ban hành các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ nhiều nơi dịch bệnh lưu hành.
Vì vậy, ông Lương Văn Tài khuyến nghị, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn duy trì chính sách siết chặt kiểm soát các đợt dịch (cúm gia cầm, tả lợn châu Phi, đậu mùa khỉ…), thì Việt Nam cũng phải có biện pháp tránh lây nhiễm và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nhu cầu trái cây của người dân Trung Quốc luôn ở mức cao (đặc biệt khu vực Bắc Kinh, Thượng Hải. Thiên Tân, Hà Bắc...). Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây thế mạnh, đang vào vụ như sầu riêng, nhãn, xoài… thông qua việc tổ chức các tuần lễ trái cây tại các khu vực này để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho biết, thời gian qua, nhiều lô hàng trái cây của ta vẫn bị Hải quan Trung Quốc “tuýt còi” vì phát hiện sinh vật gây hại. Việc này nếu tiếp tục tái diễn sẽ ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu.
“Các đơn vị chức năng (nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản…cần giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là kiểm soát vi sinh vật gây hại trên sản phẩm”, ông Lương Văn Tài nhấn mạnh.