Trung Quốc giảm lãi suất cho vay, chống đỡ nền kinh tế chậm chạp
(DNTO) - Chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm các lãi suất cho vay cơ bản để chống đỡ sức tăng trưởng chậm dần của nền kinh tế nước này.
Trong nỗ lực mới nhất để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm các lãi suất cho vay, giữa bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này bắt đầu “hụt hơi”.
Cụ thể, mức lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn một năm đã giảm 10 điểm phần trăm, xuống còn 3,55%, trong khi đó mức lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm được cắt xuống còn 4,2%.
Động thái này đã được các chuyên gia kinh tế cũng như giới đầu tư mong đợi. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu nới lỏng nhiều chính sách tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế.
“Những mức cắt giảm này sẽ giảm thiểu chi phí vay mượn, ảnh hưởng đến cả lãi của các khoản vay mượn hiện có” - Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhận xét. “Điều này sẽ mang đến sự hỗ trợ khiêm tốn cho các hoạt động kinh tế. Nhưng chúng tôi cho rằng sẽ không thể tăng tốc đáng kể cho tình trạng tín dụng”.
Sau thời kỳ chống dịch Covid-19 dai dẳng, chính quyền Trung Quốc mở cửa trở lại với hy vọng nền kinh tế của họ nhanh chóng hồi phục. Tuy ban đầu có dấu hiệu hồi phục, nhưng sức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng chững lại. Một số lý do của hiện tượng này bao gồm “cuộc chiến” thương mại với Mỹ và tình trạng èo uột của nền kinh tế thế giới.
Thứ Sáu tuần vừa qua, nội các Trung Quốc đã hội thảo một cuộc họp bàn về các giải pháp tìm cách thúc đẩy kinh tế trở lại, cam kết đưa ra nhiều chính sách tiền tệ hỗ trợ.
Các chuyên gia phân tích thuộc hãng BofA cho rằng từ giờ đến cuối năm, Trung Quốc sẽ có thể cắt thêm 25 điểm phần trăm nữa cho lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, cùng với việc nới lỏng thanh toán thế chấp và hỗ trợ thị trường tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia của BofA vẫn đồng tình rằng cắt giảm lãi suất sẽ không đủ để đảo ngược hiện tượng tăng trưởng kinh tế chậm ở Trung Quốc. BofA đã cắt giảm đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống chỉ còn 5,7% trong năm nay, từ mức 6,3% trước đó.
Nhiều nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc, lo ngại về tính hiệu quả của các biện pháp kinh tế của chính quyền Trung Quốc.
Người tiêu dùng ở Trung Hoa Đại lục cũng như giới đầu tư đang rất e ngại cho tương lai của nền kinh tế, dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tích trữ tiền mặt. Thị trường nhà ở vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, một ngân hàng của Pháp, cho biết: “Ta có thể cho tiền đến tất cả mọi người, nhưng nếu họ không tự tin vào nền kinh tế, họ sẽ không chi tiêu".