Để Đài Loan trở thành 'nền kinh tế không thể thiếu' - Bài 1: Thế trận tam giác
(DNTO) - Lo sợ hiểm họa xung đột ở châu Á, các công ty phương Tây đang tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Đài Loan. Nhưng việc cắt đứt quan hệ với đảo quốc này luôn kèm theo một cái giá đắt.
Trong những ngày sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi vào hồi 2022, các công ty cung cấp linh kiện cho những hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ, trong đó bao gồm Apple, Google, Meta và Amazon, đã bị tràn ngập trong yêu cầu từ khách hàng: Liệu họ có thể sản xuất ở nơi nào khác ngoài Đài Loan, trong trường hợp Bắc Kinh tấn công đảo quốc này?
Thế trận tam giác
Chuyến thăm của bà Pelosi đã khơi mào không chỉ cuộc tranh chấp giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh, mà còn làm dấy lên một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghệ, đe dọa chuỗi sản xuất thiết bị điện tử trên toàn thế giới.
Nếu ai đó tấn công Đài Loan, chắc chắn sẽ xảy ra một gián đoạn nghiêm trọng… ngành công nghệ và thiết bị điện tử trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng dữ dội.
Hsieh Yong-fen, nhà sáng lập hãng thí nghiệm vật liệu và chip vi xử lý MA-tek.
Đài Loan được biết đến là “lò” sản xuất chất bán dẫn tối tân nhất trên thế giới. Các công ty tọa lạc tại đây sản xuất những linh kiện vô cùng quan trọng, từ bảng mạch điện tử cho đến các ống kính camera cao cấp, và họ cũng kiểm soát các dây chuyền lắp ráp khổng lồ tại Trung Quốc.
Điều này đã tạo ra một “thế trận tam giác” dựa dẫm lẫn nhau, ngày càng thắt chặt giữa Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ, mặc cho căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh, Washington và Đài Bắc.
Dây chuyền iPhone
Để có thể hiểu được lý do của sự dựa dẫm này, ta có thể nhìn vào iPhone. Chiếc điện thoại smartphone này đã là sản phẩm tiêu dùng thành công nhất trong lịch sử, với 2,4 tỷ sản phẩm được bán ra kể từ khi nó ra đời vào 2007, mang lại hơn 1 nghìn tỷ đô la lợi nhuận cho Apple trong vòng 15 năm.
Sự thành công của iPhone dựa vào một chuỗi sản xuất rộng không thể tưởng tại châu Á, sản xuất chip vi xử lý, màn hình, loa,... Mỗi iPhone được lắp từ khoảng 1.500 linh kiện khác nhau.
Trong số các công ty đứng đầu trong dây chuyền sản xuất của Apple, 26% có tổng hành dinh đặt tại Trung Quốc, 23% nằm ở Đài Loan, 18% ở Mỹ, (Nhật Bản chiếm 17% và Hàn Quốc, 7%).
Những linh kiện có giá trị cao nhất trong iPhone bao gồm chip vi xử lý, modem mạng 5G, chip Wi-Fi và ống kính camera, đều được sản xuất bởi các hãng Đài Loan. Xét về giá trị, đảo quốc này chịu trách nhiệm cho gần 36% tổng giá trị linh kiện cho mỗi chiếc iPhone, tương đương $200.
Các chip vi xử lý này lại được thiết kế bởi Apple hay các công ty công nghệ Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, chẳng hạn như Qualcom, Sony và Bosch. Các loại chất liệu công nghệ cao cũng được cung cấp bởi các hãng Mỹ, như kính bảo vệ màn hình từ Corning và keo dán từ 3M.
Ở đỉnh còn lại của “tam giác”, các nhà sản xuất Trung Quốc tập trung vào các mảng công nghệ thấp hơn như lắp ráp và bộ phận cơ học. Về số lượng các công ty sản xuất thì Trung Quốc đã vượt mặt tất cả các vùng khác, trở thành nhà cung ứng số một thế giới. Họ cũng dần dần “leo thang” thứ bậc công nghệ trong chuỗi sản xuất.
Hãng Luxshare Precision Industry của Trung Quốc, khởi đầu là một hãng cung cấp linh kiện cho Apple, đến 2021 đã có thể tham gia chế tạo iPhone. Hãng con của họ là BOE Technology Group đã có thể sản xuất màn hình OLED cao cấp, vốn từng là độc quyền của các nhà sản xuất Hàn Quốc.
Hãng sản xuất ống kính camera Sunny Optical Technology ra mắt lần đầu vào 2023, bắt đầu “ăn” vào thị phần của các hãng Đài Loan.
Trung Quốc cũng là nơi 95% iPhone được lắp ráp, một con số không mấy thay đổi từ khi sản phẩm này ra đời. Không những thế, Trung Quốc cũng là một thị trường khổng lồ cho Apple, cung cấp khoảng ⅕ tổng doanh thu hàng năm.
Bức tranh đó còn trở nên phức tạp hơn nữa bởi có rất nhiều hãng Đài Loan và Mỹ, cung cấp linh kiện cho Apple, nhưng đặt dây chuyền sản xuất tại hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc.
Công thức cho dây chuyền sản xuất iPhone nay đang bị thách thức bởi căng thẳng leo thang giữa các cường quốc đứng đầu thế giới, một hiện tượng có thể buộc ngành sản xuất công nghệ phải thay đổi hoàn toàn.