Cuộc chiến chiếm trái tim khách hàng của Chanel, Burberry và những tay chơi thời trang
(DNTO) - Những trải nghiệm ở cửa hàng vật lý không còn đủ để kéo khách hàng đến với các thương hiệu thời trang. Khi công nghệ có mặt ở khắp mọi nơi, cách bán hàng của các gã tay chơi trong làng thời trang cũng phải thay đổi.
Mùi tinh dầu thơm nồng nàn, những chiếc ghế sofa êm ái, tiếng nhạc du dương hay những nhân viên nhiệt tình tại các cửa hàng của Chanel, Gucci, Burberry, H&M... giờ đây không còn đủ sức kéo khách hàng đến với các thương hiệu thời trang.
Những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, kênh thương mại điện tử đã mở ra phương thức tiếp cận bán hàng và chăm sóc người dùng mới hiệu quả hơn bên cạnh cửa hàng vật lý truyền thống hay flagship store. Điều này buộc các hàng thời trang thay đổi cách bán cho người tiêu dùng thỏi son hay các bộ quần áo.
Năm 2022, Burberry - thương hiệu thời trang và phụ kiện cao cấp của Anh - cho ra mắt tính năng thực tế tăng cường cho dòng túi xách Lola trên website. Khách hàng có thể dùng camera điện thoại để quét môi trường xung quanh, hình ảnh 3D của túi sẽ được tạo ra và đặt ở nhiều nơi như mặt bàn hoặc cạnh đồ dùng cá nhân khác. Điều này giúp cho khách hàng có cái nhìn trực quan hơn, từ đó nắm được kích cỡ, độ tương phản màu sắc khi phối đồ, hay thậm chí là mở túi ra để xem thiết kế bên trong.
Tại cửa hàng của mình ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Burberry cũng ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường trong các mã QR gắn trên mác sản phẩm. Khi đến mua sắm, khách hàng không chỉ nhìn thấy thông tin cơ bản mà còn có thể quét mã QR để mở khóa nội dung chi tiết và câu chuyện đằng sau sản phẩm, đồng thời tham khảo ý tưởng về phong cách phù hợp với trang phục đó.
Tính năng tương tự cũng được Chanel áp dụng cho “vũ trụ son môi” của mình. Khách hàng sử dụng máy ảnh của điện thoại để xác định màu sắc môi, ứng dụng này sẽ gợi ý một trong hơn 400 sản phẩm của Chanel với những chất son khác nhau, giúp khách hàng nhanh chóng lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất theo phong cách của mình.
H&M cũng đã thử nghiệm nhiều công nghệ mới dựa trên nền tảng IoT tại các cửa hàng COS (một thương hiệu của H&M) ở Mỹ vào tháng 5/2022.
Các phòng thử đồ gắn gương LCD có thể tương tác, nhận dạng sản phẩm thông qua nhãn RFID và gợi ý cho khách hàng về phong cách cũng như sản phẩm đi kèm phù hợp. Người mua cũng có thể yêu cầu nhân viên mang trang phục khác cùng loại (khác cỡ, khác màu) tới phòng thử đồ mà không cần đi lại nhiều lần.
Ngoài ra, cửa hàng H&M cũng có một loại gương thông minh khác cho phép khách hàng thử và phối đồ ảo bằng cách mang quần áo lại gần gương, hình ảnh 3D của trang phục sẽ hiện trên người họ. Khách hàng có thể thanh toán qua điện thoại bằng cách quét mã ở bất cứ đâu trong cửa hàng mà không cần phải ra quầy. Tất cả những cải tiến này mang lại cho người mua sự tiện lợi, thú vị và liền mạch trong trải nghiệm.
“Trong bối cảnh cuộc đua về trải nghiệm đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, việc áp dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp D2C (doanh nghiệp với khách hàng) thu thập số lượng lớn insight (chân dung khách hàng) và tạo ra hành trình khách hàng tiện lợi, khác biệt, hấp dẫn.
Đặc biệt hơn thế, công nghệ còn có khả năng phá bỏ giới hạn ảo và thực, cho phép khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm một cách tuyệt vời hơn, nhờ đó giúp tăng cường sự tương tác giữa khách hàng, sản phẩm và thương hiệu", ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital nhận định.
Công nghệ còn là cánh tay đắc lực cho đội ngũ marketing. Bên cạnh việc phân tích dữ liệu để tạo ra các chiến dịch marketing phù hợp và chính xác, các công nghệ mới cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận đúng tệp khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng đa kênh”, ông Minh nói.
Báo cáo Digital 2023 của We Are Social và Meltwater cho thấy tỷ lệ người dùng internet mua hàng trực tuyến hàng tuần trên toàn cầu đạt mức trung bình là 57,8%. Đó là lý do các công ty muốn tăng trải nghiệm khách hàng đều gia tăng đầu tư vào công nghệ. Trong đó, công nghệ cải thiện chất lượng dữ liệu và AI là hai mảng được đầu tư nhiều nhất năm 2021, lần lượt là 63% và 49%.
Ông Trần Minh Tú, Phó Tổng Giám đốc Kềm Nghĩa (công ty xuất khẩu sản phẩm công cụ chăm sóc sắc đẹp đến 43 quốc gia, trong đó có các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp...), cho biết các doanh nghiệp sản xuất đang hướng tới chuyển dịch từ một mô hình truyền thống sang một mô hình tiếp cận gần hơn và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Trong quá trình chuyển đổi này, có những bước trọng yếu mà doanh nghiệp cần chú ý như xác định chiến lược, kết hợp trực tiếp - trực tuyến và luôn cần đánh giá, cải tiến sau mỗi giai đoạn triển khai.
“Có thể nói, xác định chiến lược đúng đã là bước dài tới thành công, vì cần phải cân đối giữa các kênh cũ và mới, hình dung những trải nghiệm trên mỗi kênh vật lý đã có sẽ thay đổi như nào khi có thêm kênh online... Những thay đổi hướng tới khách hàng đồng thời cần đảm bảo bảo được quá trình kinh doanh và vận hành. Việc đánh giá, đo đếm qua mỗi bước đi rất quan trọng để mà đảm bảo những thay đổi chiến lược đó luôn bám sát và phù hợp với thị trường”, ông Tú nói.