Sau 17 năm thống trị, Trung Quốc sắp sửa mất ‘ngôi vị’ nhà xuất khẩu lớn nhất đến thị trường Mỹ
(DNTO) - Môi trường giao thương quốc tế đang trải qua biến đổi chấn động, đẩy Trung Quốc ra khỏi vị trí nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất cho thị trường Mỹ.
Những dữ liệu được tung ra gần đây bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy một sự sụt giảm dữ dội hơn 20% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 11/2023.
Lượng hàng hóa Trung Quốc đi vào thị trường Mỹ đã giảm xuống còn 13,9%, tỷ lệ thấp nhất kể từ 2004. Sự thuyên giảm này rất đáng kể so với con số đỉnh điểm 21% Trung Quốc từng đạt được vào 2017. Ở phía ngược lại, xuất khẩu từ Mỹ đến Trung Quốc chỉ tăng nhẹ trong năm ngoái.
Nhảy vào thay thế vị thế của Trung Quốc là Mexico, trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ cho toàn năm 2023, một vị trí mà quốc gia này từng giữ vào năm 2000. Lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ đạt mức kỷ lục, với 15% tổng hàng nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023.
Liên minh Châu Âu cũng chứng kiến một mức tăng kỷ lục cho xuất khẩu vào Mỹ.
Xu hướng thay đổi mối quan hệ đối tác nhập khẩu của Mỹ rất rõ ràng trong các sản phẩm then chốt, chẳng hạn như sản phẩm điện tử, một mặt hàng trước kia dựa dẫm rất nhiều vào Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất, lượng nhập khẩu điện thoại smartphone từ Trung Quốc đã giảm 10%, trong khi mức nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần. Tương tự, máy tính laptop nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khoảng 30%, nhưng lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp 4 lần.
Xu hướng đa dạng hóa đối tác giao thương này đi theo chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đặt nặng tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì một chuỗi cung ứng xuyên suốt các quốc gia đồng minh và đối tác thân thiện với Mỹ.
Chính quyền Mỹ cũng đã giữ vững mức thuế trị giá 370 tỷ USD đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc, vốn đã được đưa ra từ thời chính quyền Donald Trump.
Hơn thế nữa, tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc đã đi xuống trong 2023, một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong vòng 7 năm qua. Sản lượng xuất khẩu của nước này đã đạt 3,38 nghìn tỷ đô la, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc theo đà đi xuống trong cùng thời gian, giảm 5,5% và đạt 2,56 nghìn tỷ đô la. Tổng kết, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã đạt thặng dư xuất nhập khẩu 823 tỷ đô la.
Kẻ thắng lớn trong sự dịch chuyển thương mại này là Mexico. Quốc gia này trở thành địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách né tránh sự kiểm soát của Mỹ.
Các công ty Trung Quốc đang xây dựng nhiều dự án công nghiệp tại Mexico, thay đổi tính chất của chuỗi trao đổi thương mại trong vùng. Đáng kể đến là Hisense, khởi đầu bằng cách thiết lập tại Mexico một nhà máy sản xuất tối tân trị giá 260 tỷ đô la, cung cấp các sản phẩm điện lạnh gia dụng cho thị trường Mỹ. Nối đuôi theo là hãng sản xuất xe hơi JAC Motors và SAIC Motor.
Trung Quốc cũng đang thích ứng bằng cách giảm thiểu sự dựa dẫm vào xuất khẩu cho thị trường Mỹ, cùng việc tăng cường sức ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ, biến nó thành một phương thức thanh toán thay thế cho đồng đô la.
Nỗ lực này bao gồm các mối quan hệ giao thương với Nga, các nước vùng Trung Đông và Nam Phi. Đặc biệt, xuất khẩu đến Nga đã tăng hơn 50% trong khoảng thời gian 1-11/2023, một con số kỷ lục.
Trung Quốc cũng cho thấy một mức xuất khẩu tăng cao 60% trong ngành ô tô. Hầu hết các mẫu xe xuất khẩu là các sản phẩm chạy xăng không còn được ưa chuộng tại thị trường nước này, và nay được quảng bá như các lựa chọn giá thấp cho thị trường Trung Đông và châu Phi.