Muốn xanh hóa trước hết phải số hóa
(DNTO) - Quá trình chuyển đổi số không chỉ mở ra không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế mà còn đang hỗ trợ tích cực cho chuyển đổi xanh.
Tránh lãng phí bằng công nghệ
Ở các cảng biển Việt Nam, trước đây, 1 lệnh giao nhận container có trung bình 11 điểm dừng, cần 6 - 8 giờ để hoàn thành. Hiện nay, chỉ cần 1 điểm dừng với 2 - 3 phút để hoàn thành, tương đương với Singapore.
Kết quả này có được nhờ việc triển khai nền tảng chuyển đổi số cảng biển do Bộ Giao thông Vận tải triển khai, kết nối 25/145 cảng biển trên toàn quốc. Điều đặc biệt, nền tảng số Make in Việt Nam này có chi phí chỉ bằng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài.
Tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ngành thâm dụng nhiều lao động và tài nguyên như dệt may, công nghệ số giúp tăng năng suất lao động và giảm lãng phí. Dệt may Phú Tường (Quảng Nam) đã triển khai hệ thống quản lý sản xuất may RETEX tại 60 xưởng lớn (mỗi xưởng khoảng 500-1000 công nhân). Nhờ vậy, doanh nghiệp tăng 32% năng suất lao động, giảm 21% khối lượng công việc, giảm 12% chi phí không cần thiết và cắt giảm 5% lãng phí vải.
“Từ ngày lắp đặt hệ thống này, các quy trình sản xuất ở xưởng được trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kì vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý nhanh hơn. Đặc biệt, hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra”, ông Nguyễn Đăng Đức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường cho biết.
Chia sẻ trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hôm 17/4, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết thuật ngữ “chuyển đổi kép” do Liên minh Châu Âu đưa ra, đề cập đến hai xu hướng chính định hình tương lai là “chuyển đổi xanh” và “chuyển đổi số”. Hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau.
“Muốn xanh thì phải số. Kinh tế số sẽ mở ra những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo). Công nghệ số góp phần chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu, góp phần thực hiện cam kết Net-zero”, ông Minh Tuấn cho biết.
TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain, IoT (internet vạn vật) đã chứng minh giúp số hóa nền kinh tế, tạo ra các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới, vừa góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường thông qua việc giảm chi phí, tài nguyên tiêu hao trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ trong ngành thủy sản, công nghệ đông lạnh nhanh IQF giúp giảm 5% điện năng tiêu thụ và 90% lượng nước sử dụng so với công nghệ đông lạnh thông thường. Công nghệ Perovskite tăng hiệu suất pin năng lượng mặt trời từ 15% lên 25-30% còn giá thành giảm xuống còn 5-7 cent/kWh. Hay ứng dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh trong logistics giúp giảm 20% chi phí, 70-80% thời gian xử lý chứng từ, nâng cao tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng.
Thúc đẩy mua sắm công các sản phẩm số, xanh
Kinh tế xanh ở Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm 2% tổng GDP), tạo ra hơn 400.000 việc làm. Tuy nhiên, số lượng việc làm tạo ra từ các hoạt động kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (1,1% tổng số việc làm quốc gia) so với các nước dẫn đầu (3,3% ở Pháp vào năm 2020 và 6,7% ở Trung Quốc vào năm 2022).
Vì nhiệm vụ xanh và số không tách rời nên ông Trần Minh Tuấn khuyến nghị các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nên cùng nhau sáng tạo và tập trung triển khai ứng dụng số, nhằm phổ cập các tiện ích số cơ bản gồm: danh tính số, chữ ký số cá nhân, thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử. Trong đó doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực.
“Quản trị số bao gồm chính phủ số, đô thị thông minh và quản trị kinh tế số giúp nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế trước tác động bên ngoài. Các bộ ngành, địa phương mở dữ liệu để các ứng dụng AI hỗ trợ theo dõi giám sát, cảnh báo sớm và dự báo những tác động lên kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời”, ông Tuấn khuyến nghị.
Kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Tuy nhiên, ông Trần Minh Tuấn cho biết thách thức là các hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu. Ngoài ra là vấn đề rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.
TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết hiện nay, các quy định về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam nằm rải rác tại nhiều văn bản, song chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh”. Do vậy đây là hướng nghiên cứu đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất, tham mưu ban hành văn bản quy định về vấn đề này.
Trong thực hiện tăng trưởng xanh, Nhà nước là người tiêu dùng quan trọng bởi thực tiễn cho thấy, mua sắm công thường chiếm tới 20% chi tiêu của Chính phủ. Vì vậy, cần sớm có hệ thống quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, qua đó hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh.
“Có thể nghiên cứu xây dựng Luật Mua sắm xanh và các văn bản hướng dẫn thi hành”, ông Quốc đề xuất.