Chuyển đổi năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần có chính sách được khơi thông rõ ràng

(DNTO) - Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về vốn chỉ là một phần, phần lớn vướng mắc đến từ chính sách...
Tại Hội thảo 'Xanh hóa' năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai, ngày 27/9, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy), bày tỏ phát triển năng lượng xanh là xu hướng của toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực này với tiềm năng lớn.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy), chia sẻ tại Hội thảo.
"Chúng ta không thể đi ngược lại xu thế, Chính phủ đã cam kết đưa Net Zero bằng 0 và năm 2050, để hiện thực hóa mục tiêu này sẽ có những hành động cùng các chính sách cụ thể. Intech Group luôn nỗ lực hết mình trên hành trình đưa ra các giải pháp xanh hóa năng lượng trong sản xuất, hướng tới phát triển bền vững", ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở góc độ một doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình chuyển đổi xanh và cung cấp các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp, theo vị Chủ tịch này, câu chuyện khó khăn về vốn chỉ là một phần, phần lớn vướng mắc đến từ chính sách. Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp có thể tự chủ về tài chính, họ đã có khả năng đầu tư và sẵn sàng tham gia. Nhưng cái họ cần là chính sách phải được khơi thông rõ ràng...
"Trong quá trình hoạt động, khi tư vấn, triển khai dự án cho đối tác, cái khó chúng tôi gặp phải là việc xin đấu nối. Doanh nghiệp cần có chính sách về vấn đề này một cách rõ ràng, đồng bộ giữa các tỉnh thành. Nếu doanh nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thì cần thiết cho doanh nghiệp đấu nối lên hệ thống lưới điện, để việc triển khai dự án được thuận hơn. Các thủ tục để hoàn thành cần đơn giản, gọn nhẹ... Nhưng thực tế, việc cấp phép triển khai các dự án còn chậm, dẫn tới các dự án bị trễ 1-3 tháng, thậm chí nhiều hơn, dẫn tới dự án bị kéo dài thời gian thi công, đội vốn, gây khó khăn cho doanh nghiệp...", Chủ tịch Intech Group bày tỏ.

Ông Trần Văn Nhơn, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy).
Tại Hội thảo, ông Trần Văn Nhơn, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy), cho biết doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh đang gặp 3 khó khăn lớn là: Vốn đầu tư; yếu tố nhận thức của các cá nhân và tập thể, đặc biệt người đứng đầu công ty; và khó khăn về pháp lý khi chưa có những quy định rõ ràng trong thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.
Ông Nhơn cho rằng, con đường phát triển năng lượng xanh còn nhiều chông gai, nhưng Intech Energy sẽ kiên định theo đuổi vì mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích cho mọi người.
“Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự chung tay của cả xã hội. Thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển dịch xanh, sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất sẽ mang lại cơ hội cho phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, đại diện JolyWood Solar - nhà sản xuất tấm quang điện lớn đang phát triển tại thị trường Việt Nam, cũng giới thiệu những sản phẩm giúp quá trình chuyển dịch xanh hóa năng lượng trở nên thuận tiện hơn.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ cùng các doanh nghiệp đang rất quan đến sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.