Để doanh nghiệp không còn lo ngại khi lắp điện mặt trời áp mái
(DNTO) - Các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu sản xuất rất mong muốn lắp điện mặt trời áp mái để nhanh chóng chuyển đổi năng lượng xanh nhưng còn lo lắng về phòng cháy chữa cháy, cơ chế mua bán điện…
Vướng nhiều thủ tục
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân, lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn công suất.
Bộ Công thương cũng tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trình Chính phủ.
Tại diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng” hôm 16/8, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể.
“Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán. Doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn vướng nhiều thủ tục, giấy phép xây dựng, đánh giá môi trường, và các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý liên quan”, ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết với tỉ lệ 50% doanh nghiệp của hiệp hội dùng điện áp mái giai đoạn đầu đã rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mở rộng thì liên quan đến vấn đề an toàn và ổn định. Hiện chưa có cơ quan nào chứng nhận cho công ty đến lắp để đảm bảo an toàn.
“Cơ quan nào hướng dẫn cấp phép, kiểm soát điều đó? Bởi hiện nay, lắp điện áp mái rất dễ, nhưng kiểm soát các sự cố thì cơ quan nào chịu trách nhiệm”, ông Giang băn khoăn.
Tạo thế chủ động cho doanh nghiệp
Phân tích kĩ hơn về cơ chế mua bán điện, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giới hạn công suất tiêu thụ của khách hàng phải từ 200.000 kWh/tháng là chưa hợp lý.
Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và phía khách hàng hoàn toàn có thể tự thỏa thuận và đưa ra các yêu cầu phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng phát điện của mình. Vì vậy, ông Việt cho rằng nên gỡ bỏ giới hạn tiêu thụ điện với khách hàng mua điện trực tiếp. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI tham gia mua bán điện trực tiếp, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà và tạo môi trường thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng nên cải cách quy định về giá bán lẻ. Cho phép từng đơn vị bán lẻ điện có quyền tự do định giá bán lẻ điện để đảm bảo thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mức giá sẽ tương ứng với các gói cước sử dụng điện khác nhau, tạo sự đa dạng hóa sản phẩm giúp khách hàng có thể lựa chọn gói cước sử dụng điện phù hợp với nhu cầu.
“Nếu hiểu là vẫn theo giá bán chung của EVN thì sẽ không tạo cơ chế giá bán lẻ cạnh tranh. Điều này có thể gây bó hẹp động lực đầu tư cũng như mua điện mặt trời mái nhà của các đơn vị sản xuất trong các khu –cụm công nghiệp”, ông Việt nói.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cho biết gần 100% nhà đầu tư hiện nay đều quan tâm tới khu công nghiệp sinh thái, giống như mô hình khu công nghiệp Nam Cầu Kiền của Hải Phòng. Bởi nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, không có chứng chỉ xanh thì rất khó xuất khẩu.
Hiệp hội này mong muốn Chính phủ có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp hoặc Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Bởi đa phần các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính để chuyển đổi xanh nhưng mới chỉ có vài ngân hàng có sản phẩm riêng lẻ về tài chính xanh.
Liên quan đến vấn đề an toàn, Trung tá Phạm Thy Bình, Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM cho biết hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên dự án không phụ thuộc vào Nghị định 50 về thẩm duyệt Phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Do đó, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn công an các tỉnh thành về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, với các nội dung hướng dẫn cụ thể như bậc chịu lửa công trình, lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác, bố trí công năng trên mái và tầng dưới mái, giải pháp ngăn cháy giải pháp chữa cháy, bố trí thoát hiểm, trang bị thiết bị ngắt khẩn cấp….