Bài toán lợi nhuận trong các khoản đầu tư vào ngành năng lượng
(DNTO) - Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam vẫn rất dồi dào so với nhiều ngành khác. Nhưng để thúc đẩy nguồn vốn này, cần gấp rút gỡ khó trong một số chính sách để nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, nhìn thấy khả năng sinh lời từ dự án năng lượng.
Dòng vốn đầu tư tiếp tục sôi động
Trong giai đoạn 2015-2022, Việt Nam thu hút 106,8 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đứng thứ 2 trong số các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới (theo UNCTAD). Điều này có thể là do chính sách chào đón và hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực năng lượng trong những năm gần đây về quyền sở hữu, thuế và tài chính.
Ngoài ra, các mục tiêu đầy tham vọng của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 67,5% đến 71,5% vào năm 2050; lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng cắt giảm còn khoảng 27 và 31 triệu tấn. Những điều này tạo ra một môi trường thân thiện và hỗ trợ cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong và ngoài nước.
ClimeCapital và ADB Ventures đều đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ xanh trong năm qua. Hơn nữa, 15,5 tỷ USD từ các đối tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng trong 3-5 năm tới.
Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng xanh cũng đang tận dụng các cơ hội ngày càng tăng, đặc biệt là nguồn vốn dồi dào sẵn sàng đổ và lĩnh vực này, đặc biệt là nguồn vốn từ các quỹ và các quốc gia nổi tiếng ở châu Âu.
Các thỏa thuận đáng chú ý gồm GreenYellow Smart Solutions Việt Nam ký khoản vay loại A trị giá 3 triệu USD từ nguồn vốn thông thường của ADB và khoản vay song song 10,8 triệu USD từ FMO (một quỹ khí hậu do Responsability Investment AG quản lý) và Quỹ Societe Generale, với ADB là cơ quan thu xếp chính được ủy quyền.
Khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới khí hậu (CIDF), do ADB quản lý, cũng sẽ được cung cấp cho GreenYellow. Nguồn vốn sẽ giúp xây dựng và vận hành các hệ thống quang điện mặt trời trên mái của các tòa nhà thương mại và công nghiệp trên toàn quốc, nhằm tăng cường cung cấp năng lượng sạch cho ngành, giảm 15.530 tấn khí thải CO2 vào năm 2025.
Stride, một công ty khác cũng cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời nhưng nhắm đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Công ty này đã huy động được 2 triệu USD trong vòng hạt giống, do Quỹ đầu tư Clime Capital và Touchstone Partners đồng dẫn đầu.
Trong khu vực, nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng điện ở châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 56,3% nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực có liên quan đến điện, theo ADB. Với hơn 100 giao dịch vào năm 2023, lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên là một trong những thị trường M&A soi động nhất Đông Nam Á, theo PwC. Điều này cho thấy tiềm năng vốn của thị trường và cơ hội rộng mở cho các giải pháp, sáng kiến công nghệ năng lượng.
Bài toán lợi nhuận
Việt Nam đang đứng trong số 20 quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất thế giới, với khoảng 50% lượng điện sản xuất ra phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ước tính, Việt Nam cần 650 tỷ USD cho sản xuất điện và phát triển cơ sở hạ tầng trong 30 năm tới.
Mặc dù làn sóng ban đầu của các dự án năng lượng tái tạo (chủ yếu là năng lượng mặt trời) đã đạt được động lực nhờ mức giá ưu đãi (FIT), nhưng bối cảnh hiện tại cũng đang đặt ra thách thức cho các khoản vốn của các nhà đầu tư.
Bởi lẽ, trong khoảng 245 dự án, giải pháp năng lượng tái tạo trong năm 2022, chỉ có 19% có thể tiến tới giai đoạn xây dựng và chỉ có dưới 8% trong số đó vẫn đang hoạt động. Theo các chuyên gia, điều này có thể do các dự án năng lượng mang tính chất nghiên cứu hoặc dựa trên cơ sở khoa học, không dễ để thương mại hóa.
Cụ thể, các nhà phát triển và nhà phân tích cho biết một số dự án sản xuất điện sẽ không thể đạt được tỷ suất hoàn vốn nội bộ 12% như dự kiến. Thay vào đó, với mức thuế mới, tỷ suất hoàn vốn nội bộ chỉ đạt 5% với dự án năng lượng mặt trời và 8% năng lượng gió.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Một loạt chính sách năng lượng đang được xem xét. Những chính sách này một khi hoàn thiện sẽ định hình con đường phát triển năng lượng của đất nước trong ít nhất một thập kỷ tới. Do đó thị trường sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư đủ năng lực, có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Ngày 3/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn. Sau đó 2 hôm, Bộ Công thương tổ chức hội nghị triển khai Nghị định này.
Khi Nghị định đưa vào cuộc sống sẽ mở đường cho việc mở rộng quy mô các dự án năng lượng tái tạo và tiếp tục thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.