Sẽ lãng phí nếu điện mặt trời mái nhà không được bán
(DNTO) - Chi phí đầu tư một suất điện mặt trời mái nhà tại các nhà xưởng rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ đồng nhưng không phải lúc nào điện sản xuất ra cũng tiêu thụ hết. Chuyên gia cho rằng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán điện cho đối tác để thu hồi vốn và khuyến khích thị trường này phát triển.
Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Dự thảo nêu rõ, “tự sản, tự tiêu” là tự sản xuất, rồi tự tiêu thụ, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất (hay lắp đặt) đủ dùng, nếu thiếu thì nhà nước cấp bù thêm.
Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất nếu không nối lưới điện quốc gia thì điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất. Còn nếu nối lưới, Nhà nước sẽ mua với giá 0 đồng trong khoảng công suất giới hạn là 2.600 MW. Dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Ông Trần Văn Trãi, chủ một doanh nghiệp ở Long An, cho biết ban đầu dự định tận dụng 2000 m2 mái nhà xưởng để lắp đặt điện mặt trời. Sau khi tính toán giữa chi phí và lợi ích, vị này đã đổi ý. Bởi mức giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái dù đã giảm so với trước đây, nhưng số tiền đầu tư cũng lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nếu lượng điện dư thừa không được bán thì sẽ rất lãng phí.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group, cho hay chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà xưởng rất lớn, trong khi lượng điện sản xuất ra không phải lúc nào cũng sử dụng hết. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế thông thoáng để họ được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác nhằm nhanh thu hồi vốn.
“Cần làm rõ hơn khái niệm “tự tiêu” là tự tiêu dùng hay tự tiêu thụ. Rất nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng bỏ vốn đầu tư lớn để chuyển đổi năng lượng, nhưng sẵn sàng cho phép các đơn vị bên ngoài như Vũ Phong đầu tư điện mặt trời mái nhà, sau đó bán điện lại cho họ tiêu thụ 100%, không bán lên lưới.
Vậy chúng tôi là doanh nghiệp bên ngoài muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy A, rồi bán điện cho chính nhà máy A hay các nhà máy khác trong cùng khu, cụm công nghiệp có được không? Khái niệm "tự sản tự tiêu" được làm rõ sẽ tháo gỡ được nút thắt đầu tư”, ông An đặt vấn đề.
Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Quy Hoạch, Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho biết thông thường, hệ thống điện mặt trời mái nhà sử dụng cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất sẽ có công suất trên 10 kWp, những nơi cần nguồn điện năng lớn thì công suất lên tới 1 MWp trở lên. Chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà không lưu trữ dao động từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu đầu tư hệ thống lưu trữ, chi phí này tăng thêm 50 triệu đồng đến 800 triệu đồng tùy vùng miền và công suất.
Nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà đối với nhà máy chỉ đạt từ 52,39% đến 60,04%. Nếu điện năng dư thừa bán giá 0 đồng thì khó khuyến khích các nhà máy đầu tư điện mặt trời mái nhà tự cung, tự cấp.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Quy Hoạch, nếu không nối lưới, các hệ thống điện mặt trời mái nhà phải lắp bộ chống phát ngược (zero export), dẫn đến lãng phí và gây ra nhiều bất lợi về kỹ thuật, giảm tuổi thọ của hệ thống.
Để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, TS Nguyễn Quy Hoạch, kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và cho phép phần điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được hưởng theo cơ chế bù trừ. Tức trong 2 giờ thấp điểm buổi trưa bán với giá 0 đồng, hay khu vực miền Bắc được hưởng giá bán điện cao hơn, vì cường độ bức xạ mặt trời trung bình khu vực này thấp hơn miền Trung và miền Nam, nhưng nhu cầu sử dụng điện lại cao hơn.
Cơ chế bù trừ cần được tính toán đảm bảo hiệu quả cho EVN không bị lỗ. Mức giá sẽ tuỳ thuộc vào từng thời điểm để điều tiết được lượng công suất hòa vào lưới điện. Giá mua điện mặt trời mái nhà sẽ được EVN công bố định kỳ tùy theo nhu cầu thực tế để người dân, doanh nghiệp cân nhắc đầu tư.
“Nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ lựa chọn bán điện cho EVN với giá rẻ, giá 0 đồng, thậm chí là giá âm, đều do thị trường quyết định, thay vì cấm nối lưới, hay nối lưới, nhưng bán với giá 0 đồng. Nếu Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm giá 0 đồng thì mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khó thành hiện thực, trừ khi 6 năm tới, giá tấm quang năng và pin lưu trữ giảm đến 50%, hoặc nhiều hơn hiện tại”, vị chuyên gia nói.
Hôm 9/5, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các ngành… trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để Nghị định thực hiện ngay khi được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn.
Thường trực Chính phủ yêu cầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…Yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5.