Nhà đầu tư xuống tinh thần khiến thị trường điện gió, điện mặt trời ảm đạm
(DNTO) - Sau khi hết giai đoạn giá FIT, gần như không có dự án điện gió, điện mặt trời nào đáng kể xuất hiện trên thị trường vì mức giá bán điện không đủ bù chi phí và cũng khó vay vốn ngân hàng.
Sau 2,5 năm chờ đợi, Quyết định 500 phê duyệt Quy hoạch Điện 8 được xem là nút thắt cho thị trường năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo với việc xây dựng mục tiêu quy mô cơ cấu nguồn điện.
Theo Quy hoạch điện 8, đến 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW. Trong đó các nguồn điện chính gồm điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5%), điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), điện mặt trời 12.836 MW (8,5%), thủy điện 29.346 MW (19,5%), nhiệt điện than 30.127 MW (20,0%), nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%), nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,9%)...
“Mục tiêu cơ cấu nguồn điện đã được xác định. Muốn biết được cái bánh to đến đâu thì cần nhìn vào quy mô của nó. Từ đó nhà đầu tư biết được sân chơi đó có thể tham gia được không”, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho biết trong Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023.
Cơ chế giá ưu đãi (giá FIT), theo quyết định 11,13 với điện mặt trời kết thúc năm 2020 và theo quyết định 37, 39 đối với điện gió kết thúc tháng 10/2021. Kết thúc giai đoạn giá FIT sẽ chuyển sang cơ chế giá cạnh tranh. Hiện nay, theo quy định hiện hành chưa quy định bắt buộc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với các dự án điện. Tuy nhiên trong thời gian tới, theo quy định tại Quyết định 500, các dự án điện sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Tuy nhiên theo ông Bùi Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Phong Điện Thuận Bình, Chủ tịch Hội Điện gió, Điện mặt trời Bình Thuận, sau khi hết giai đoạn giá FIT, tinh thần của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời khá ảm đạm. Mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng các dự án điện chuyển tiếp cũng rất lay lắt. Các dự án mới nếu duy trì mức giá hiện tại không còn khả thi và không thể vay được vốn ngân hàng để làm.
Ông Thịnh cho biết, thực tiễn chính là câu trả lời chính xác nhất cho chính sách. Thực tiễn cho thấy hiện nay không có dự án mới nào đáng kể sau thời gian bùng nổ, mặc dù các nhà đầu tư đã đầu tư rất nhiều các trang thiết bị, xe cẩu, nhân công. Ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, có những kho bãi 1-2 ha, các xe cẩu nằm la liệt do không có thị trường. Đây là sự lãng phí lớn, chưa kể đội ngũ nhân công, mặc dù tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Theo Quyết định số 21về khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh.
Các doanh nghiệp cho biết mức giá này quá thấp, không đủ bù chi phí đầu tư, vận hành, khiến nhà đầu tư không mặn mà rót tiền vào các dự án điện mặt trời, điện gió.
“Tại các diễn đàn quốc tế, chúng tôi thường nói trở ngại lớn nhất của ngành điện tái tạo Việt Nam là giá điện. Ở Đức, Nhật, giá điện lên tới 30-40 cent, nên làm điện gió, điện mặt trời với chi phí 14-15 cent quá dễ dàng, bên nào cũng có lợi. Nhưng ở Việt Nam, cũng rất chia sẻ với cơ quan làm chính sách phải tính toán giá điện làm sao không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng khuyến khích đầu tư. Để 2 hướng này gặp nhau rất khó và tại thời điểm hiện tại chưa gặp nhau.
Hiện 90% tham gia vào lĩnh vực này là nhà đầu tư tư nhân Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Như chúng tôi tìm hiểu, các nhà đầu tư tư nhân trong nước họ đang rất e dè vì rủi ro lớn quá, kể cả tài chính, chính sách. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đắn đo nên chưa ai dám xuống tiền”, ông Thịnh nói.
Với áp lực cần phải xanh hoá sản xuất, rất nhiều nhà máy có nhu cầu bức thiết lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự tiêu thụ tại chỗ, không truyền tải lên lưới. Nhưng ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cũng cho biết những chính sách hướng dẫn cho việc này chưa được rõ ràng. Dẫn đến thời gian qua thị trường vắng bóng những dự án điện mặt trời lớn giống như Solar Farm.
Cùng với đó, nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp cũng chưa có hướng dẫn. Riêng thị trường điện mặt trời tiềm năng rất lớn do các doanh nghiệp đang gặp phải áp lực cạnh tranh sản xuất xanh từ các đối thủ. Tuy nhiên để khơi thông dòng vốn thì cần nỗ lực nhiều bên để tháo gỡ.
“Bản chất của điện mặt trời có thể tối ưu được nếu phát triển phân tán. Chúng tôi hi vọng chính sách cho phát triển điện mặt trời phân tán, đặc biệt cho sản xuất xanh sớm được ban hành”, ông An bày tỏ.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết hiện Luật Điện lực sửa đổi dự kiến được thông qua cuối năm 2024, là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển các cơ cấu nguồn điện nói chung và hệ thống điện cả về truyền tải và phân phối.
Về khung giá, Bộ Công thương đã ban hành thông tư 19 về khung giá cho điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Sau đó EVN sẽ tính toán, trình Bộ Công thương thẩm định khung giá. Vừa rồi chỉ có khung giá cho các dự án chuyển tiếp. Với các dự án mới sẽ xây dựng trên cơ sở thông tư 19.
“Khung giá phát điện sẽ ban hành từng năm theo từng loại hình nguồn điện. Ví dụ năm nay có thể thấp nhưng sang năm có thể xem xét điều chỉnh dựa trên các tham số tính toán. Căn cứ khung giá đó và xu thế công nghệ để nhà đầu tư cân nhắc có nên tiếp tục đầu tư hay không”, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết.