Chuyển sang năng lượng tái tạo không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân
(DNTO) - Để đáp ứng nhu cầu điện mỗi năm tăng từ 8-10% và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo, Chính phủ sẽ phải hướng đến đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ mới, giảm chi phí vận hành.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2024, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam tăng khoảng 15%. Với sự phát triển kinh tế, nhu cầu điện năng sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới. Nhu cầu điện tăng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường, buộc các nhà chức trách phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, với mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP).
Một trong 10 định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng bao gồm việc phát triển công nghệ năng lượng, với trọng tâm là thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu... Bởi theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng thế giới, công nghệ giúp giảm lượng phát thải đến 3,5Gt CO2 hàng năm, tương đương gần 40% mức giảm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.
Những năm qua, khu vực tư nhân tích cực đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng, bằng việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió…Tuy nhiên, do những hạn chế về khả năng tiếp cận chính sách, vốn, nguồn nhân lực… nên sự phát triển dự án năng lượng tái tạo thời gian qua còn thiếu ổn định. Vì vậy, việc dẫn dắt của khối công trong lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ông Phillip Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng – GIZ Việt Nam cho biết nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho tiến trình chuyển dịch năng lượng, nhưng việc này không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân mà chính phủ phải là người dẫn dắt.
“Ở Đức, một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo, năm 2022, tổng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới lên tới 1,5 tỷ Euro. Như vậy Chính phủ phải đi đầu và có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân, để khu vực này có thể đóng góp vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng như phát triển kinh tế quốc gia", chuyên gia khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm rằng nếu chỉ dựa vào đầu tư khu vực tư nhân thì rất khó tạo ra những công nghệ mới, nguồn năng lượng mới, ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh đến vai trò của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và cải tiến giải pháp công nghệ.
Ví dụ trong phát triển điện gió, nguồn năng lượng nền tảng trong lưới điện và là trung tâm của hệ thống năng lượng tích hợp trong tương lai, theo Dự báo của Ủy ban Châu Âu, công suất lắp đặt cho điện gió sẽ nằm trong khoảng từ 900 đến 1.100 GW vào năm 2050, đây là tổng công suất từ các nguồn điện gió trên bờ và ngoài khơi của toàn cầu. Dự đoán cũng cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những gã khổng lồ trong lĩnh vực này, bên canh đó cũng có sự góp mặt từ các người chơi đến từ Châu âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu công suất điện gió vào năm 2050, ngay từ lúc này các nước cần phải có kế hoạch phát triển trong dài hạn nguồn năng lượng này. Về mặt công nghệ, cần có nhiều đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ trong tương lai nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh công nghệ năng lượng này so với các ngành khác.
“Đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào và yêu cầu giảm ô nhiễm môi trường thì vấn đề tái chế những tuabin điện gió đã hết tuổi hoạt động cũng cần được các nhà quản lý và nhà khoa học quan tâm”, ông Dương nhấn mạnh.
Nhưng, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng không thể thiếu nguồn đầu tư của Chính phủ vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Điều này bao gồm việc cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ.
“Nên thiết lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo. Xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm các khóa học, chương trình thạc sĩ và tiến sĩ”, ông Đăng đề xuất.
Về phía khối tư nhân, theo vị chuyên gia này, chính phủ nên áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới. Đồng thời cung cấp các gói trợ giá và hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm việc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án phát triển công nghệ năng lượng sạch.