Doanh nghiệp không có nhu cầu bán điện nhưng lắp điện mặt trời áp mái rất khó khăn
(DNTO) - Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam, cho biết các chính sách cũ về điện mái nhà đã hết hiệu lực nhưng chưa có quyết định mới thay thế và hướng dẫn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Trong Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Phát triển Xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng Sông Hồng ngày 5/6, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam, cho biết địa phương này xác định công nghiệp là động lực chính phát triển, dẫn dắt các ngành nghề khác. Vì vậy, tỉnh chú trọng giải quyết các điểm nghẽn như đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dịch vụ hỗ trợ như cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logistics, nhà ở công nhân...
Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp khó khăn. Bởi hiện EU đang thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, một phần thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu. Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này, dựa theo cường độ phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này nếu không nâng cao các tiêu chuẩn xanh.
Hiện nay, để đáp ứng tiêu chí giảm phát thải, yêu cầu về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất để xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đặc biệt các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp mong muốn đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mong muốn tự dùng cho sản xuất. Việc này là phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Quy hoạch điện 8.
Nhưng sau khi Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mái nhà hết hiệu lực, cho đến nay chưa có quyết định mới thay thế và hướng dẫn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh khi họ đề xuất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
“Khi các doanh nghiệp liên hệ để tư vấn lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng, nội dung này rất vướng mắc. Sở Công thương Hà Nam đã hỏi Cục Điều tiết Điện lực, nhưng họ cũng chưa dám hướng dẫn rằng nội dung đó có được thực hiện không. Cũng như chủ trương lần trước Bộ trưởng Bộ Công thương họp là để chống lợi ích nhóm, nếu điện mái nhà tự sản tự tiêu bán lên điện lưới thì giá 0 đồng. Ở đây doanh nghiệp khẳng định rằng họ không có nhu cầu phát điện lên lưới, họ chỉ có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà để phục vụ sản xuất của họ thôi và họ cũng có thiết bị chống phát ngược.
Rất mong muốn Bộ có hướng dẫn cụ thể, ví dụ đấu ở đâu? Vì đấu trong nhà máy nhưng bên điện lực vẫn ý kiến là phải có thỏa thuận của điện lực. Với các doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ cứ đấu thì cũng rất khó quản lý. Còn nếu làm không phép, khi xảy ra vấn đề lại đi xử phạt và liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành”, vị này băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hiện Bộ Công thương đã cơ bản hoàn thiện xong Dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Dự thảo Nghị định đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.
Ngoài câu chuyện điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng có nhu cầu kinh doanh với loại hình nguồn điện khác như điện mặt trời, điện gió, có nhu cầu mua bán trực tiếp với khách hàng. Điều này giúp các nhà sản xuất nguồn năng lượng xanh, sạch có thể đạt được tín chỉ xanh, có lợi thế về thương mại, ví dụ trong giao dịch với EU. Vì vậy, Bộ Công thương đã hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, kỳ vọng sẽ được ban hành trong tháng 6 này.
“Đây là 2 cơ chế cơ bản giúp các nhà sản xuất ngay từ lúc sản xuất sản phẩm, có cơ hội xây dựng thương hiệu, tiếp tục thúc đẩy lợi thế xuất khẩu ra thị trường quốc tế, ví dụ như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi họ đang đặt ra các tiêu chí yêu cầu sản phẩm có tín chỉ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Chúng ta đang “đi tắt, đón đầu”, vừa đảm bảo nguồn năng lượng trong nước, vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm xanh”, Thứ trưởng nói.