Không để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đến rồi đi
(DNTO) - Chuyên gia cho biết, nếu Việt Nam giải quyết được những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong ngành năng lượng tái tạo thì sẽ không lo các nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường khác và cũng không lo thiếu nguồn vốn đầu tư.
Cần 105 tỷ USD cho 6,5 năm tới
Trong Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero hôm 11/7, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho biết mục tiêu Net Zero với bước đi đầu tiên là chuyển đổi năng lượng giúp Việt Nam có thể thích ứng với “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, xanh hóa cũng giúp chúng ta giảm bớt những tổn thương do biến đổi khí hậu, nguyên nhân khiến nền kinh tế thiệt hại 10 tỷ USD (3,2% GDP) vào năm 2022 và có thể tăng lên 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
Đó cũng là lý do nhiều quốc gia, khu vực phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã nhanh chóng xây dựng các chiến lược và chính sách nhằm chuyển dịch nền kinh tế theo hướng năng lượng sạch, giảm bớt thiệt hại kinh tế.
Trong Quy hoạch Điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 và tăng lên 80-85% đến 2050. Nhưng, để đạt được mục tiêu này, ngành điện phải cần tới 134,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021- 2030.
“Trong 3 năm qua chúng ta mới thu hút được khoảng 30 tỷ USD đầu tư vào ngành điện, trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD là thách thức lớn...”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết.
Trong khuôn khổ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), các đối tác quốc tế cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng. Nhưng con số này còn khá nhỏ so với 105 tỷ USD số vốn mục tiêu. Vì vậy, Việt Nam cũng mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước.
Để đáp ứng nhu cầu tài chính rất lớn cho ngành năng lượng tái tạo, theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cần kết hợp các nguồn lực, bao gồm phần hỗ trợ tài chính quốc tế, vốn đầu tư tư nhân và nguồn ngân sách nhà nước.
“Việt Nam cần tiếp tục thảo luận với các đối tác phát triển song phương và đa phương để đảm bảo nguồn tài chính có mức ưu đãi phù hợp cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, ông Thi nói.
Khoảng trống chính sách còn lớn
Nhưng, ở phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, họ lại cho rằng nhu cầu vốn cho năng lượng tái tạo rất lớn nhưng chưa phải mối lo ngại lớn nhất. Bởi rất nhiều nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam, nhưng nhiều cơ chế, chính sách chưa rõ ràng khiến họ e ngại, thậm chí lựa chọn chuyển hướng sang thị trường khác.
“Thực tế đã có nhà đầu tư rời khỏi Việt Nam vì thấy cơ chế chưa đủ hỗ trợ. Chuỗi cung cứng tại Việt Nam về điện gió đang rất tốt. Trên thị trường cũng có nhiều công nghệ mới, hiện đại hỗ trợ. Việt Nam có thể học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm từ những điều mà chính phủ và doanh nghiệp một số nước chưa làm tốt”, ông Stuart Livesey, Thành viên Ban điều hành và đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh, EuroCham, chia sẻ.
Thừa nhận thực tế này, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng cho biết ngay cả việc triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045, cũng còn chậm.
“Nghị quyết được ban hành tháng 9/2019, tới nay đã được 4 năm song việc thể chế hoá, cụ thể hoá còn chậm, thậm chí nhiều chính sách còn thiếu. Do đó, phải đốc thúc để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống”, ông Hiển nói.
Cụ thể, bên cạnh cơ chế cơ chế mua bán điện trực tiếp, một số cơ chế khác có ý nghĩa quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo như cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu)..., cũng chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ và thủy điện tích năng... chưa có.
Một số công nghệ năng lượng còn nhiều thách thức để phát triển như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon giá thành cao... Những điều này làm chậm quá trình chuyển dịch năng lượng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic) có sự cải thiện về chất lượng. Đây cũng là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.
Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Việt Nam cần nhanh hơn, quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở trong đầu tư vào lĩnh vực này.
“Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo. Điều này sẽ tạo sự tin cậy, thu hút đối với các nhà đầu tư mới khi nghiên cứu và đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam”, ông John Rockhold, Chủ tịch Nhóm năng lượng của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho biết.