Chủ tịch một quỹ đầu tư xanh than phiền việc có tiền nhưng khó tiêu được ở Việt Nam
(DNTO) - Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho biết có hàng tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào các dự án xanh ở Việt Nam nhưng thị trường đang thiếu dự án trong lĩnh vực phát triển bền vững, giảm phát thải; nếu có thì quy mô cũng rất nhỏ.
Dòng tiền đang rất sẵn
Chia sẻ tại diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh" hôm 10/9, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho biết các quỹ đầu tư luôn luôn đi theo xu hướng của thị trường nên ưu tiên hàng đầu của họ là hợp tác với các doanh nghiệp tốt. Xanh hóa hay chuyển đổi số là một trong số nhiều tiêu chí khác nhau các quỹ dùng để đánh giá một doanh nghiệp tốt và cho thấy họ sẵn sàng thay đổi về mặt quản trị.
Tuy nhiên, dù về Việt Nam đầu tư gần 30 năm qua nhưng ông Hoàng thừa nhận việc vận hành quỹ đầu tư xanh ở Việt Nam thực sự không dễ dàng. Nguyên nhân là do một trong những thách thức chính là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí “xanh” trong ngành nghề của mình.
Thực tế, ông Hoàng cho biết các quỹ tài chính quốc tế hiện sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào các dự án giảm phát thải, phát triển bền vững. Hiện tại, Quỹ A+ cũng đang làm việc với một số quỹ lớn và họ thường nhắm tới các dự án có giá trị tối thiểu là 50 triệu USD.
“Tiền đang rất sẵn, quan trọng là làm thế nào để tiếp cận”, ông Hoàng nhấn mạnh vấn đề chính là chúng ta không có đủ dự án để tham gia. Một số dự án thì quy mô quá nhỏ. Còn dự án lớn thì các tiêu chí ESG (môi trường- xã hội - quản trị) trong báo cáo đều không đạt tiêu chuẩn ở những góc độ khác nhau.
“Ngày một khó, mặc dù tôi đã làm việc này nhiều năm nhưng hiện tại mới chỉ thành công ở dự án nhà máy điện rác hay gạo khoảng 30-40 triệu USD. Với các dự án lớn hơn ở góc độ quốc gia thì huy động nguồn tiền trong nước còn rẻ hơn. Vừa rồi, có công ty bất động sản cần vay vốn, chúng tôi cũng sắp xếp cho họ vay ở nước ngoài nhưng cuối cùng vay trong nước còn rẻ hơn, chưa kể muốn vay vốn nước ngoài thì cũng phải vượt qua rất nhiều tiêu chí”, ông nói.
Chia sẻ thêm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết đã làm việc với rất nhiều quỹ đầu tư quốc tế và họ rất sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, những hướng dẫn, tiêu chí chuyển đổi xanh với doanh nghiệp như thế nào chưa rõ, khiến nhà đầu tư ngần ngại.
Cần có báo cáo ESG nhưng tránh quảng cáo trá hình
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, Việt Nam đã ban hành khá đầy đủ hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Nhờ vậy, các chỉ số về dư nợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh ngày càng cải thiện.
Tuy nhiên, ông Lực cho biết số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG đưa ra còn khá chung chung, ngay cả với các công ty niêm yết.
Đã vậy, theo các chuyên gia, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu thức “Green washing”, tức hình thức PR xanh và tiếp thị xanh thông qua các tuyên bố sai lệch về mục tiêu bảo vệ môi trường, nhằm thuyết phục công chúng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp đang tiếp nhận nguồn vốn từ nhà đầu tư đến từ Bỉ, phải tuân thủ báo cáo ESG theo tiêu chuẩn ESAs và CSAD của châu Âu do công ty mẹ yêu cầu, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho biết doanh nghiệp hết sức tránh câu chuyện “Green washing”.
Năm nay, công ty này nhận được 600 câu hỏi từ công ty mẹ nhưng quan điểm của DEEP C là không muốn “làm bài tập theo kiểu tickbox”. Vì vậy những câu hỏi chỉ mang tính lựa chọn như “Có làm không?” sẽ bị bỏ qua.
Theo bà Hoàn, để tránh bị mang tiếng là “Green washing”, doanh nghiệp nên có kế hoạch hành động cụ thể cho việc giảm phát thải. Đây mới là điều quan trọng để giúp nhà đầu tư truy xuất được thực tế doanh nghiệp có thực hiện đúng như vậy hay không.
“Chúng tôi giải thích với công ty mẹ rằng chúng tôi chỉ báo cáo những gì mình làm và có số liệu, số liệu đó có thể kiểm tra được. Chúng tôi không nói mình sẽ trở thành khu công nghiệp sinh thái hay sẽ giảm bao nhiêu tấn carbon. Thay vào đó, chúng tôi cho mọi người nhìn thấy lộ trình rõ ràng rằng giai đoạn nào sẽ làm việc gì. Trong báo cáo ESG đã phát hành, chúng tôi nói rõ là bước đầu sẽ xử lý rác thải có thể phân hủy sinh học trước, tiếp theo là rác thải nhựa và rác thải khác”, bà Hoàn nói.
Bổ sung thêm, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho biết các tiêu chí về xanh, tuần hoàn, quản trị, minh bạch luôn nằm trong danh mục tiêu chí đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng của quỹ. Để có thể kết nối và nhận được đầu tư từ các quỹ, các doanh nghiệp cần xác định rõ lộ trình phát triển cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chí của các quỹ trước khi hợp tác.
“Các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình trước khi tìm đến các quỹ tài chính xanh. Họ cần hiểu tại sao quỹ cần mình và tại sao mình cần quỹ, cũng như lợi thế cạnh tranh của mình là gì. Không phải doanh nghiệp cứ “làm xanh” là được đầu tư, vì trong kinh doanh cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ có thể mang lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội”, ông Hoàng nhấn mạnh.