Doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh toàn cầu nếu không thực hiện các chiến lược ESG nghiêm túc
(DNTO) - Chuyên gia cho biết các tổ chức, quốc gia lớn trên thế giới liên tục đưa ra những chính sách về phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự cấp thiết ngày càng cao của các yêu cầu “xanh hóa” và doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có các chiến lược thích ứng nếu không muốn bị ảnh hưởng.
Tại Diễn đàn ESG 2024 “Từ ý tưởng đến hành động”, ngày 13/6, các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên, bất bình đẳng xã hội… đang đặt ra những thách thức chưa từng có cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu hiện nay đối với mọi quốc gia là phát triển kinh tế phải đi kèm trách nhiệm đối với xã hội và môi trường.
Bà Dženeta Mulabegović, chuyên gia phát triển bền vững của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết thời gian qua, Liên Hiệp Quốc cũng đã liên tục đưa ra những chính sách về phát triển bền vững. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc thực hiện ESG (bộ 3 tiêu chuẩn: môi trường - xã hội – quản trị doanh nghiệp) đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và các doanh nghiệp không thể chậm trễ trong việc thực hiện ESG hơn nữa.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu nguồn lực về vốn và con người, do 90% số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, họ không biết phải bắt đầu từ đâu, làm cách nào thực hành và đo lường hiệu quả của các tiêu chí ESG.
Từ kinh nghiệm của mình, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (doanh nghiệp đầu tiên của ngành thép Việt được chứng nhận ResponsibleSteel), cho biết các tiêu chí ESG được công ty này tích hợp trong mọi hoạt động của công ty, với sự nỗ lực và cam kết từ cả đội ngũ lãnh đạo cho đến toàn thể nhân viên.
Theo ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng tại NS BlueScope Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước thường băn khoăn giữa việc đánh đổi chi phí đầu tư cho ESG và lợi ích thu về. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp châu Âu xem ESG là một khoản đầu tư chiến lược, không phải là chi phí đơn thuần.
Vì vậy, trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải nhìn nhận đúng đắn về phát triển bền vững. Đây là khoản đầu tư cho tương lai, không chỉ là nỗ lực chung để tạo ra giá trị cho xã hội, môi trường, mà còn tạo ra lợi ích riêng cho chính doah nghiệp khi tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn. Vì vậy, người lãnh đạo doanh nghiệp cần vượt qua tư duy đó để cam kết và hành động.
Thừa nhận phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam không có kinh nghiệm nên việc thực hiện ESG sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nguồn lực vì phải làm đi làm lại rất nhiều lần, ông Hải khuyến nghị các công ty Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp châu Âu, nhất là việc xác định ESG là đầu tư trung và dài hạn.
“NS BlueScope Việt Nam đã vận dụng được kiến thức, kinh nghiệm từ tập đoàn mẹ, giảm bớt các công đoạn thực hiện”, ông Hải ví dụ.
Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham cũng cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng và đối tác mua hàng thế giới ngày càng đánh giá cao các công ty tuân thủ ESG và sẵn sàng thực hành ESG, thì doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào tầm nhìn dài hạn để chú trọng đầu tư ESG cho tương lai, tránh sa đà vào lợi ích trước mắt.
Tuy vậy, ông Bảo cũng cho biết thực hiện ESG vẫn là thách thức lớn không chỉ với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả các tập đoàn, công ty lớn. Dẫn lại ví dụ NS BlueScope Việt Nam, dù đã có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ nhưng công ty này cũng phải mất đến 2 năm mới đạt được chứng nhận ResponsibleSteel. Trong khi các doanh nghiệp khác hiện nay không có nguồn lực và nhiều thời gian như vậy. Vì vậy, vị này cho biết doanh nghiệp nhỏ cần đi nhanh hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc triển khai ESG, nhưng cần lựa chọn bước đi phù hợp với quy mô và nguồn lực của mình.
“Nên bắt đầu bằng những hành động nhỏ, ví dụ việc nhân viên di chuyển bằng phương tiện gì đến công ty cũng là một cách thực hiện ESG. Bất kể hành động gì, dù có tác động nhỏ nhưng nếu tất cả các doanh nghiệp làm được cũng là một bước tiến đáng kể để phát triển bền vững”, ông Bảo nói.
Liên quan đến nguồn lực về vốn, tài chính để thực hiện phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham, cho biết trên thế giới, nguồn tài trợ xanh ngày càng tăng cao. Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư, các tổ chức của chính phủ và phi chính phủ cung cấp các khoản tài trợ xanh mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Dù các khoản tài trợ này ở Việt Nam còn hạn chế nhưng cũng đang trong xu hướng gia tăng, nhất là dòng vốn xanh vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, nguồn nước,… Vì vậy, các doanh nghiệp tích cực thực hiện ESG cũng sẽ thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn xanh trong và ngoài nước.