Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam đang chậm hơn đáng kể so với quốc tế
(DNTO) - Mặc dù thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam bắt đầu khởi động nhưng theo chuyên gia bối cảnh còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp còn khá thụ động.
Tính thụ động đang kìm đà phát triển
Chia sẻ tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, hôm 19/9, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng thị trường tín chỉ carbon Việt Nam đang đi chậm hơn đáng kể so với quốc tế. Ở Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon manh nha từ năm 2017 nhưng chủ yếu các nhà đầu tư ngoại đến “đặt chỗ”, thậm chí trả trước mà tín chỉ đó chưa được xác nhận.
Dù hiện Việt Nam đã bắt đầu có chính sách để khởi động thị trường carbon nhưng trong bối cảnh điều kiện khách quan vẫn còn khá khó khăn, còn các doanh nghiệp thì lại khá thụ động. Do đó, nhiều dự án mua bán theo hợp đồng song phương trong khi chưa có sàn giao dịch, tức gần giống như hoạt động môi giới.
“Giá tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện tại thấp một phần vì tính thụ động, chúng ta chưa chủ động tìm người mua để đàm phán về giá cũng như chưa có dự án chất lượng. Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đầu tư vào lĩnh vực tín chỉ carbon, nhưng chủ yếu chỉ mới dừng bước ở công nghệ”, ông An đánh giá.
Chưa kể, để đạt mục tiêu giảm phát thải, Việt Nam sẽ buộc phải gia tăng đầu tư đáng kể vào nhiều lĩnh vực. Ví dụ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, theo Quy hoạch điện 8 sẽ cần khoảng 650 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2021-2050. Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam cũng cần tới 368 tỉ USD vào năm 2040, theo World Bank.
“Số tiền đầu tư này không thể chỉ được tài trợ bởi chính phủ. Mức độ tham gia đáng kể của khu vực tư nhân là rất quan trọng”, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nói.
Tuy cần nhiều vốn nhưng theo ông Darryl J. Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu còn hạn chế. Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực.
“Sự thật đáng buồn là mặc dù nhu cầu nguồn vốn là một bức tường khổng lồ, cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút”, ông Darryl nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), việc công bố các chỉ số và các thông tin về phát triển bền vững được xem là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Còn bộ tiêu chí đo lường các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của một tổ chức.
Tuy vậy, báo cáo phát triển bền vững 2023 của KPMG cũng chỉ ra rằng, thực hành ESG tại doanh nghiệp ở Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp vẫn chưa minh chứng được tính bền vững và cũng không được phân loại theo các yêu cầu của ESG. Hay mục tiêu cắt giảm lượng carbon của Việt Nam chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.
“Mở khóa” cánh cửa vốn, chính sách
Theo chuyên gia, đứng từ góc độ ngân hàng tài trợ vốn hay nhà đầu tư, họ vẫn còn tâm lý nghi ngờ và do dự vì các dự án giảm phát thải vẫn rất rủi ro, trong khi chi phí đầu tư trước rất lớn, ít giao dịch khả thi, tín dụng xanh thấp, năng lực thị trường vốn và quy định còn sơ khai. Ngoài ra, chính sách hiện nay thiếu một khuôn khổ phân loại xanh rõ ràng, không đủ động lực cho các khoản đầu tư xanh.
“Nếu bạn xây dựng một khung pháp lý khí hậu tốt thì các nhà đầu tư và nhà tài chính sẽ đến. Chắc chắn điều đó. Tuy nhiên phải chấp nhận việc các hướng dẫn hoàn hảo không thể đến cùng một lúc. Vì vậy nên bắt đầu từ những quy định đơn giản, dễ sử dụng, và khi thị trường cải thiện thì chúng ta có thể đưa thêm vào. Ví dụ ở Thái Lan có thuật ngữ xanh, dùng các từ đơn giản như “xanh – vàng – đỏ” để hướng dẫn về khung khí hậu”, ông Darryl ví dụ.
Vị này cũng nhắc đến giải pháp giải pháp “tài chính hỗn hợp”, kết hợp vốn ưu đãi và thương mại để giảm tổng chi phí giao dịch, giúp cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của dự án. Đây được xem là một công cụ giảm rủi ro hấp dẫn để huy động tài chính khí hậu và mở khóa các giao dịch khó khăn. Không chỉ hệ thống cấp tín dụng, tài trợ cho khí hậu còn cần phải phát triển các nguyên tắc xanh trên thị trường vốn, chẳng hạn như trái phiếu xanh.
Tuy nhiên để một dự án “xứng đáng” được vay xanh, ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, cho rằng bước đầu tiên là doanh nghiệp cần công cụ để kiểm kê khí thải theo các chuẩn quốc tế. Từ đó doanh nghiệp biết đang đứng ở đâu, vượt chuẩn hay chưa hoặc vẫn còn “room” để có thể chuyển giao cho bên cần. Số liệu này là bước đầu để tổ chức khác xác nhận rồi phát hành tín chỉ carbon.
Còn theo ông Nguyễn Võ Trường An, tín chỉ carbon trên thị trường tuân thủ theo quy trình quốc tế nhưng việc xây dựng được là một câu chuyện dài hơi. Vì vậy các dự án theo tiêu chuẩn nổi bật hiện nay đều phải đặt yếu tố hàng đầu là phương pháp luận của nhiều ngành và lĩnh vực: từ trồng rừng, sử dụng đất, nông nghiệp, năng lượng, thu hồi carbon…
“Miễn sao dự án được thiết kế kỹ thuật khoa học tuân thủ theo phương pháp luận đó thì sẽ phát hành được tín chỉ carbon”, ông An khuyến nghị.