Vẫn chưa rõ ai sẽ được quyền sở hữu tín chỉ carbon
(DNTO) - Hình thành một thị trường tín chỉ carbon thì phải có hàng hóa, khi có hàng hóa phải có quyền sở hữu. Nhưng tín chỉ carbon là tài sản vô hình nên trong quy định trong pháp luật nên cần làm rõ chúng thuộc sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp hay từng cá nhân.
Không phải cuộc chơi của những người nghiệp dư
2.166 doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực là năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, và xử lý chất thải, sẽ chính thức phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định số 13. Kiểm kê khí nhà kính là bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia “đặt chân” vào thị trường tín chỉ carbon.
Tại Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero”, ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV), cho biết Việt Nam đang hướng tới hình thành thị trường tín chỉ carbon. Theo lộ trình, năm 2025 có thị trường mua bán thí điểm.
Nhưng việc thực hiện kiểm kê vẫn gặp rất nhiều thách thức do khâu quản lý nhà nước cũng chưa ra được phân bổ hạn ngạch. Một bộ phận doanh nghiệp không có thông tin, không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Một phần khác nắm được thông tin nhưng lại sợ làm sai và đang chờ đợi xem đã có ai làm chưa.
Cũng theo ông Minh, muốn có thị trường thì phải có hàng hóa, hàng hóa muốn trao đổi được phải có quyền sở hữu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay là chưa rõ tín chỉ carbon thuộc quyền sở hữu của ai.
“Chẳng hạn, trong ngành lúa, tín chỉ carbon sẽ thuộc về Nhà nước hay doanh nghiệp, hay nông dân? Doanh nghiệp họ không chắc chắn về quyền sở hữu thì dù có nguồn lực đầu tư nhưng cũng không sẵn sàng thực hiện. Vì thế, cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền, trách nhiệm của từng bên”, ông Minh nhấn mạnh.
Phân tích kĩ hơn, ông Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA, cho biết thị trường tín chỉ carbon có hai phần: thứ nhất là hạ giảm phát thải khí nhà kính, thứ hai là tín chỉ carbon.
Việt Nam là nước nằm ở khu vực nhiệt đới, có tiềm năng hấp thụ carbon rất cao nên có rất lớn để tạo thành tín chỉ carbon. Ngoài ra, Việt Nam là nước đang phát triển, sản xuất ra rất nhiều hàng hóa nên có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất.
Với tiềm năng đó, ông Nam cho biết về mặt chủ trương, chính sách đã đang dần hoàn thiện, tuy nhiên, ở cấp triển khai còn rất thiếu. Đặc biệt, quyền carbon rất quan trọng để xác định đâu là hàng hóa, đâu là những thứ có thể mua bán được. Tín chỉ carbon không phải là phần thưởng mà còn là giá trị mang tính đầu tư.
Còn việc tín chỉ carbon dôi dư từ hoạt động giảm phát thải trong sản xuất thì phải có đăng ký, có sự thẩm định của bên thứ ba và có sự chấp nhận của người mua.
Đại diện của KLINOVA khẳng định tín chỉ carbon hoặc hạ giảm phát thải là một hàng hóa thì phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố và đây không phải là cuộc chơi cho những người nghiệp dư. Nó là sản phẩm thị trường tài chính, mang tính kỹ thuật, là tinh túy của thị trường tài chính.
“Tín chỉ carbon hay quyền carbon cần nhìn ở góc độ pháp luật. Vì đây là tài sản vô hình nên việc hình thành tài sản này phải được quy định trong pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Đó là tài sản của doanh nghiệp hay của người lao động, hay của pháp nhân thương mại, hay của từng cá nhân, pháp luật cần phải làm rõ”, ông Nam nói.
Tránh tình trạng thao túng thị trường
Ông Phạm Hồng Quân, Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, cho rằng mặc dù các chính sách pháp lý về tín chỉ carbon còn chậm nhưng hy vọng sẽ “chắc” để nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon.
Vị này khuyến nghị Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng tín chỉ carbon của EU, Hàn Quốc, Indonesia để có những giải pháp thực hiện chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn, hạn chế thao túng thị trường.
“Việc sửa đổi Nghị định số 06/2022 cần có điều khoản ràng buộc hạn ngạch không được trao đổi quá tỷ lệ % carbon nhất định, tránh thao túng, lợi dụng kẽ hở chính sách”, ông Quân kiến nghị.
Đại diện của KLINOVA cũng cho rằng thị trường tự nguyện hiện nay chủ yếu là thị trường nước ngoài, việc mua bán ở nước ngoài đòi hỏi có sự minh bạch. Sau khi được cho bán, cần thuê bên thứ 3 kiểm định nên phải cân nhắc kỹ và cần được bảo đảm.
Hiện các nước thường áp dụng đồng thời nhiều phương pháp và quy định, nếu phương án nào, tín chỉ carbon nào hợp lý thì nhân rộng mô hình đó. Việt Nam còn 3 năm tới để thí điểm thị trường carbon nên sẽ đi từng bước và đánh giá thí điểm.
“Nếu được chính quyền địa phương công nhận được phép mua bán tự nguyện thì giá tín chỉ cao hơn và doanh nghiệp sẽ có năng lực hơn để tham gia. Khi chúng ta đang hướng tới hội nhập quốc tế và có được tài sản, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, cần tháo gỡ về mặt văn bản pháp luật phù hợp với giai đoạn thí điểm”, ông Nam nhấn mạnh.