Mảnh ghép còn thiếu trên thị trường carbon
(DNTO) - Nhiều giao dịch trên thị trường carbon thực hiện qua hình thức bán tiền mặt có thể làm giảm giá cả và hiệu quả và tính minh bạch của thị trường carbon. Thị trường cần thêm chuẩn mực kế toán và các vấn đề pháp lý mới để hoàn thiện.
58 quốc gia trên thế giới đã phát triển thị trường carbon, trong đó 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Điều này cho thấy các quốc gia đang rất gấp rút chuẩn bị điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào thị trường này.
Tín chỉ carbon là một chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải 1 tấn khí CO2. Tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường carbon, nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể mua tín chỉ để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải, hoặc bán tín chỉ nếu họ phát thải thấp hơn quy định.
Ví dụ, dù áp dụng nhiều biện pháp như chuyển sang dùng điện sạch, linh kiện điện thoại sản xuất bằng nhôm tái chế, nhưng lượng phát thải ra môi trường của Apple vẫn hơn 300.000 tấn CO2. Từ 2020, Apple đã mua hơn 324.000 tín chỉ bù đắp carbon từ các dự án trồng rừng và điện tái tạo để bù đắp cho lượng phát thải trên, nhằm đạt mục tiêu Net Zero.
Giá mỗi tín chỉ carbon trung bình dao động từ 230.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Việt Nam đã bán ra hơn 36 triệu tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp hiện nay đang chạy đua để thực hiện giảm phát thải. Một phần do áp lực xanh hóa từ bạn hàng hay thị trường đích, một mặt là nguồn lợi thu về từ việc bán tín chỉ carbon cũng khá lớn. McKinsey dự đoán số lượng tín chỉ carbon có thể tăng lên gấp 5-10 lần giai đoạn 2030-2050, đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp điện tái tạo hay các doanh nghiệp có đầu tư vào các dự án trồng rừng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Bá Đức, Chuyên gia tư vấn tại FPT Digital, cho biết thị trường carbon hiện tại cũng vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Thứ nhất, sự phức tạp của thị trường khi có nhiều loại tín chỉ carbon khác nhau về thuộc tính hay giá trị. Giữa các tín chỉ carbon của từng quốc gia sẽ có các quy định khác nhau theo từng Chính phủ. Do vậy hiện tại không có các tham chiếu về giá carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Khó khăn thứ hai là việc xác minh các tín chỉ carbon. Hiện tại, đang thiếu các bên thứ ba để xác minh việc giảm phát thải và độ tin cậy của các tín chỉ carbon tạo ra. Ngoài ra, sẽ còn một số thách thức khác như một số ngành sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh của họ do việc giá bán tăng do phải bù trừ chi phí cho các chi phí carbon.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nêu thực trạng, nhiều giao dịch trên thị trường carbon giao ngay và tương lai vẫn đang thực hiện qua hình thức bán tiền mặt. Điều này có thể ảnh hưởng làm giảm giá cả và hiệu quả và tính minh bạch của thị trường carbon. Đặc biệt trên thị trường thứ cấp, các hợp đồng giao dịch tín chỉ carbon còn thiếu điều khoản và tài liệu chuẩn hóa, vì vậy rủi ro cho cả người bán và người mua trong trường hợp giao dịch, giao hàng không thành công.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại dòng tiền từ các giao dịch tín chỉ carbon không được kê khai đầy đủ, do các đối tượng liên quan như sàn giao dịch, nhà môi giới, người bán lại và nhà cung cấp mua - bán tín chỉ carbon không tiết lộ lợi tức của họ từ các giao dịch tín chỉ carbon. Điều này có thể khiến các khoản tín chỉ carbon có thể được đổi chủ quá nhiều lần, ngăn cản nguồn vốn đến được các dự án phát triển bền vững.
Do đó, một số thành viên thị trường carbon đang kêu gọi Ủy ban chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) cập nhật định nghĩa về các công cụ tài chính để đền bù lượng carbon và thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể cho loại tài sản mới này.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho biết các bên liên quan không nên vì những trở ngại trên mà bỏ qua tiềm năng của thị trường carbon tự nguyện.
Ở thị trường Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon hiện chưa chính thức đưa vào vận hành. Tuy nhiên, tại COP26 năm 2021, Việt Nam cam kết xây dựng quy định quản lý và trao đổi tín chỉ carbon từ nay đến 2027, triển khai thí điểm các cơ chế trao đổi và bù trừ các tín chỉ carbon. Đến 2028, Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước.
Hàng trăm dự án tín chỉ carbon độc lập đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó có khoảng hơn 150 dự án với hơn 40 triệu tín chỉ carbon được cấp và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Việt Nam hiện nay đang là một trong 4 nước có dự án theo cơ chế phát triển sạch CDM được đăng kí nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ; đứng thứ 9/80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.
“Khi Việt Nam chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện thì doanh nghiệp có thể mua bổ sung tín chỉ bù đắp carbon để đạt mục tiêu Net Zero. Hiện tại, doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo kiểm kê phát thải theo quy định để hạn chế rủi ro pháp lý và thu hút các nguồn vốn xanh, các đối tác quan tâm đến phát triển bền vững trên toàn cầu”, đại diện FPT nói.