Lựa chọn thông minh sàn giao dịch tín chỉ carbon
(DNTO) - Thị trường carbon Việt Nam đang manh nha, cần nỗ lực nhiều hơn của Chính phủ và doanh nghiệp để tạo thành thị trường chuyên nghiệp, minh bạch. Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) về vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá thị trường carbon thế giới hiện ra sao?
TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường bao gồm 3 yếu tố: người bán, người mua, các cơ quan môi giới trung gian và sàn giao dịch.
Thị trường carbon cũng có 2 dạng: bắt buộc và tự nguyện. Thị trường bắt buộc là các chính phủ giao cho các doanh nghiệp hạn mức phát thải. Người phát thải nhiều hơn hạn ngạch thì phải mua, phát thải ít hơn sẽ được bán. Thị trường tự nguyện là nơi doanh nghiệp mua tín chỉ carbon từ bên ngoài để cân bằng hạn mức của họ. Ngoài ra còn đối tượng người bán khác là người trồng rừng.
Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước lớn đang thí điểm thị trường carbon. Đông Nam Á đang hình thành các khung pháp lý để tạo nền tảng thị trường.
Ở châu Âu, giá lên tới 70-80 USD/tấn carbon. Ở châu Á giá thấp hơn, hạn ngạch Chính phủ giao cũng thấp hơn, khiến nhu cầu về tín chỉ carbon còn thấp, chưa tạo ra sức ép về giá. Nói cách khác, Chính phủ chưa đặt ra các yêu cầu khắt khe về phát thải nên các doanh nghiệp vẫn đủng đỉnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp chưa bị xử phạt đúng mức. Thuế đánh trên mức phát thải còn thấp, họ chấp nhận đóng phạt hơn là mua tín chỉ carbon. Điều này khiến thị trường châu Á còn dễ dãi và không tương xứng với mức phát thải nhiều nhất.
* Các đối tượng trong thị trường carbon ở Việt Nam đang có động thái gì?
Năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/QĐ-TTg bắt buộc 1.912 doanh nghiệp báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính theo chuẩn châu Âu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01.
Tuy vậy theo rà soát của Viện CODE, mới có 19 doanh nghiệp báo cáo (7 doanh nghiệp báo cáo cả 3 cấp, 12 doanh nghệp báo cáo cấp 1,2). Cấp 1 báo cáo nguồn phát thải trực tiếp. Cấp 2 báo cáo phát thải trong nguyên liệu. Cấp 3 báo cáo phát thải trong cả quá trình vận chuyển.
Báo cáo cả 3 cấp vô cùng phức tạp. Ví dụ doanh nghiệp xuất khẩu thép sang châu Âu, phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ở đây họ không báo cáo, nên doanh nghiệp Việt không có số liệu báo cáo nguyên liệu, chưa kể báo cáo phát thải trong quá trình vận tải, kho bãi. Do vậy mới chỉ có 19 doanh nghiệp báo cáo và những báo cáo này chưa được kiểm toán, chưa rõ độ chính xác ở mức nào.
* Sắp tới Việt Nam thí điểm vận hành sàn giao dịch carbon. Vận hành sàn này cần điều kiện gì?
Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các nước và lựa chọn mô hình phù hợp. Có thể tham khảo Nhật Bản để tạo ra một thị trường tương đối nhanh. Họ chọn ra 1.000 người mua và 1.000 người bán, tạo thành một thị trường Upcom về tín chỉ carbon, tiến hành mua bán thử nghiệm để đánh giá và chỉnh sửa chính sách phù hợp. Sau đó đưa vào thị trường chứng khoán vì có sẵn các nhà đầu tư, môi giới chuyên nghiệp và đặc biệt là hệ thống thanh toán bù trừ tự động.
Việt Nam hiện cũng hình thành một số sàn tín chỉ carbon riêng lẻ, chủ yếu chạy theo “mốt” chứ chưa thể hình thành thị trường chuyên nghiệp.
Một số nước hiện không kết nối với thị trường carbon quốc tế. Theo tôi, khi đưa lên thị trường chứng khoán coi như đồng tình kết nối với bên ngoài vì có nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm của tôi là nên kết nối vì các giao dịch carbon dần sẽ được quốc tế hoá.
Hiện chênh lệch giá tín chỉ carbon giữa các nước châu Âu và châu Á rất lớn. Việt Nam có triển vọng hấp thụ carbon lớn, tức có tiềm năng trở thành người bán. Nếu không kết nối với thị trường quốc tế sẽ không bán được giá cao, thiệt thòi cho người trồng rừng và ngành công nghiệp điện sạch Việt Nam.
Trước mắt nên dồn lực truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp hoàn thành báo cáo khí nhà kính. Lượng chênh lệch phát thải so với hạn ngạch sẽ tạo ra người bán, người mua. Khi có 1.000 người bán, 1.000 người mua (hoặc tối thiểu 500-500) sẽ đưa lên sàn. Nếu trên sàn chỉ có vài người mua, bán thì không có ý nghĩa gì.
* Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt?
Doanh nghiệp vẫn quan tâm nhiều đến việc “đi cửa sau” hơn là đi tìm chuyên gia tư vấn để xây dựng chính sách kinh doanh dài hạn. Đây là lối làm ăn “cò con” và lỗi thời, chỉ có thể dựa vào thị trường nội địa và sẽ không thể ra quốc tế.
Thậm chí doanh nghiệp có thể bị lừa đảo vì nghĩ rằng có thể bán được tín chỉ trên thị trường nhưng thực tế không đủ điều kiện tham gia vào các sàn giao dịch. Những công ty đang vận hành hay tham gia vào các sàn giao dịch tín chỉ carbon riêng lẻ cần rất thận trọng.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!