Việt Nam bán 5 USD/tín chỉ carbon nhưng có nơi bán lên đến 200-300 USD/tín chỉ
(DNTO) - Giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn tùy thuộc vào chất lượng dự án. Có quốc gia bán chỉ 1 USD/tấn carbon nhưng có nơi bán giá cao gấp hàng trăm lần như thế.
Giá tín chỉ carbon theo thị trường
Thông tin dư luận quan tâm về giá tín chỉ carbon là nội dung được giải đáp tại Hội thảo 'Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh' sáng 20-4.
Mới đây, giá tín chỉ carbon Việt Nam bán cho Ngân hàng Thế giới (WB) là 5 USD/tín chỉ, tương đương 51,5 triệu USD (1.200 tỉ đồng) cho 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Dư luận cho rằng mức giá này còn rẻ so với những giao dịch tương tự trên thế giới.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có nơi chỉ bán được 1 USD/1 tấn carbon, song cũng có quốc gia bán 140 USD.
"Tín chỉ carbon chủ yếu giao dịch trên thị trường tự nguyện. Gần đây tôi kiểm tra chỉ dao động từ 1-2 USD tùy loại tín chỉ carbon", ông Minh cho biết.
Ngoài ra, vị này cho biết, tín chỉ carbon cũng có thời hạn sử dụng chứ không phải có thể sử dụng mãi mãi. Trên thế giới, giai đoạn 2008-2012, giá tín chỉ carbon lên đến 30 USD/tín chỉ. Tuy nhiên giai đoạn 2013-2020, nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải đã tạo ra “khoảng trống” thị trường, kéo giá tín chỉ carbon xuống còn vài USD.
TS Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và Quản lý Fulbright cũng cho rằng mặc dù giá thuế carbon bắt buộc có thể lên tới hơn 100 USD nhưng giá tín chỉ carbon là giá thị trường, phụ thuộc vào chất lượng dự án giảm phát thải. Vì vậy rất khó xác định giá 5 USD/tín chỉ carbon là cao hay thấp.
“Nhiều báo cáo cho thấy giá tín chỉ carbon có thể lên đến 200-300 USD/tín chỉ, nhưng phải xác thực được chất lượng tín chỉ carbon bản chất của dự án cũng như chi phí bỏ ra để thực hiện. Ví dụ ở Úc, sau khi kiểm kê thì 3/4 tín chỉ đều có vấn đề, nhiều cánh rừng sau khi bán tín chỉ carbon thì bị phá hủy”, ông Đại cho biết.
Mua sớm sẽ có giá tốt
Thông tin thêm về thị trường carbon, ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu, cho biết nhiều “ông lớn” trên thế giới đã đi trước trong việc tìm mua tín chỉ carbon, điển hình là các hãng hàng không, dầu mỏ. Họ đặt cọc trước hoặc mua trước để có giá tốt hơn nếu không tự bù trừ tín chỉ carbon. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước chậm hơn không chỉ trong việc tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon, mà còn chậm trong việc cải tiến công nghệ, thay đổi quản trị, cách làm để giảm phát thải.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, cũng cho biết nhiều đối tác, khách hàng châu Âu đã sang Việt Nam thực hiện kiểm kê phát thải, tín toán lượng carbon với các hàng hóa họ có nhu cầu nhập khẩu. Điều này buộc doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp Việt còn mơ hồ về quy trình kiểm kê phát thải khí nhà kính. Vì vậy rất cần sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết của các cơ quan chức năng.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho hay chuyển đổi xanh đang được luật hóa ở nhiều quốc gia và trở thành quy định bắt buộc với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc thiếu sự phối hợp và thống nhất giữa các ngành, các cấp dẫn đến nhiều chính sách, kế hoạch chồng chéo và không nhất quán, cản trở hiệu quả khi triển khai các hành động.
Ông Thọ cho rằng cần tăng cường đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, hệ thống quản lý chất thải, đô thị xanh cùng việc xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ cho tăng trưởng xanh.
Liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương, muốn giao dịch tín chỉ carbon phải đảm bảo mục tiêu phát thải khí nhà kính của quốc gia. Ví dụ thỏa thuận chi trả tín chỉ rừng ở Bắc Trung bộ, phải có cơ chế 95% kết quả giảm phát thải chuyển nhượng lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường carbon của Việt Nam vẫn đang giao dịch tự nguyện theo các nhiều tiêu chí quốc tế. Còn cơ chế giao dịch tín chỉ trong nước đang được Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Ông Quang cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường đã xây dựng Nghị định mới quy định rõ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon … đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước. Dự kiến Bộ sẽ trình nghị định này vào tháng 7 tới đây.