Chọn tăng trưởng xanh không phải vì chạy theo các nước lớn
(DNTO) - Chuyên gia cho biết tăng tưởng xanh là xu thế tất yếu giống như toàn cầu hóa để giữ tăng trưởng kinh tế ổn định chứ không phải chạy theo cuộc chơi của các nước lớn.
Chọn “xanh” để duy trì phát triển
Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho biết từ năm 1996, Liên Hợp quốc đã cảnh báo 5 mô hình tăng trưởng mà các quốc gia cần tránh: tăng trưởng không tiếng nói, tăng trưởng không việc làm, tăng trưởng không gốc rễ, tăng trưởng không lương tâm và tăng trưởng không văn hóa.
Nếu đi theo những mô hình tăng trưởng này, một ngày nào đó ta sẽ phải quay trở lại sửa chữa, tốn kém hơn rất nhiều. Nếu chúng ta không hướng đến tăng trưởng bền vững thì môi trường bị tàn phá, khoảng cách giàu nghèo gia tăng và nền kinh tế chỉ phát triển đến một ngưỡng nào đó sẽ phải dừng lại.
Ông Huân cho biết, nếu mọi người nhìn tăng trưởng xanh giống như cuộc chơi của các nước lớn, ta là nước nghèo phải theo là không đúng. Khi nói đến tăng trưởng mà không nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng thì rất khó phát triển. Khi nói đến phát triển bền vững là nói đến 3 yếu tố: văn hóa, môi trường, xã hội.
Một áp lực khác để Việt Nam chọn con đường tăng trưởng xanh là nguy cơ hàng hóa của ta không thể vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu...nếu không đáp ứng tiêu chí bền vững. Tăng trưởng xanh đánh trực tiếp vào năng suất lao động và doanh thu của doanh nghiệp.
“Năm nay, châu Âu bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon trên một số ngành hàng. Nếu hàng hóa Việt Nam không tuân thủ rất khó để cạnh tranh với các nước khác. Bởi chỉ cần đánh thuế thêm khoảng 100 -107 USD/1 tấn carbon hoặc 1 tín chỉ carbon thì hàng hóa của ta sẽ đội giá lên không khác gì đánh thuế như các nền kinh tế không được công nhận là kinh tế thị trường, hay trường hợp thẻ vàng, thẻ đỏ của thủy sản mà chưa gỡ được, đây cũng là thiệt thòi khi đánh thuế”, ông Huân nói.
Đồng quan điểm, TS Vũ Phi Yên cho biết hiện doanh nghiệp trên thế giới đang hướng tới mô hình gọi là “Tổ chức màu xanh ngọc”, tức vừa kinh doanh xuất sắc, vừa hướng tới sự phát triển bền vững.
“Ít nhất là 200 năm cho tới bây giờ, các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu luôn luôn trong trạng thái chỉ lùi không tiến. Thành tựu là rất nhiều, số người giàu có, thành đạt rất nhiều nhưng đồng thời chúng ta tàn phá nhiều thứ khác và giờ chúng ta phải gánh hậu quả. Đó là thế gọng kìm đang kẹp lại từ từ. Người dân bình thường cảm nhận ở chỗ nhiệt độ năm sau nóng hơn năm trước, lũ lụt hạn hán nhiều hơn, thất nghiệp nhiều hơn...Trong vòng 50 năm trở lại đây, bắt đầu từ Mỹ, châu Âu và giờ là toàn thế giới quay lại bảo vệ môi trường”, bà Yên nhận định.
Nhiệm vụ “kép” với doanh nghiệp
Nhưng bà Yến cũng cho biết, từ trước đến nay, để đạt hiệu quả kinh doanh xuất sắc, doanh nghiệp phải mất từ 10-20 năm với hàng trăm con người làm việc cật lực. Hiện nay, với mục tiêu phát triển bền vững. độ khó gấp nhiều lần, buộc doanh nghiệp phải làm cả 2 cùng một lúc là một thách thức.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu bền vững, doanh nghiệp phải tiêu ra hàng tỷ USD, trong đó đầu tư mạnh nhất trong 10 năm đầu tiên. Tức tiền lấy từ kinh doanh xuất sắc phải chuyển qua phát triển bền vững, cũng là thách thức với doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn và tiếp cận vốn khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Huân cũng cho biết để thực hiện tăng trưởng xanh không dễ . Bởi khi nền kinh tế đã “xanh” thì năng suất lao động phải cao, tiêu thụ điện năng/ 1 đơn vị sản phẩm phải giảm để giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 là mục tiêu thách thức.
Ngay sau cam kết Net Zero của Việt Nam tại Cop26, chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã bị lạc hậu. Ngay sau đó, Thủ tướng kí 2 quyết định: Quyết định 888 kế hoạch thực hiện mục tiêu Net Zero và Quyết định 896 về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Trong đó trả lời câu hỏi giảm gì, giảm như thế nào. Đơn cử về năng lượng giảm tới 75% lượng khí thải (711 triệu tấn) so với kịch bản thông thường vào 2050. Các ngành công, nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải... đều phải giảm phát thải để đến năm 2050, lượng phát thải chỉ còn 258 triệu tấn.
Để trung hòa lượng phát thải này, Việt Nam có một lựa chọn là trồng rừng. Công suất rừng Việt Nam là 14 triệu ha, hấp thụ 80 triệu tấn khí thải. Nếu muốn hấp thu 258 triệu tấn thì phải gấp ba công suất rừng hiện nay. Vậy đất trồng rừng lấy từ đâu, đây cũng là vấn đề thách thức.
“Trong Quyết định 896, Chính phủ đã nhìn thấy công việc này. Kể cả có làm được điều đó thì số lượng tiền cần có là 268 triệu USD cho cả công cuộc chống biến đổi khí hậu, theo Ngân hàng thế giới. Nếu tính riêng chuyển dịch năng lượng cần khoảng 240 tỷ USD từ nay đến 2040. Đây là số tiền rất lớn và nếu không có chính sách thu hút vốn tư nhân thì rất khó thực hiện”, ông Huân băn khoăn.
Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu giống như xu hướng toàn cầu hóa. Nhiệm vụ này đặt lên vai doanh nghiệp là chính vì kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang chiếm tới hơn 40% GDP. Nếu doanh nghiệp không tập trung đầu tư thay đổi công nghệ, chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải thì công cuộc phát triển xanh của Việt Nam cũng chậm lại so với thế giới, thiệt thòi cho phát triển của đất nước.