Châu Âu siết thời trang nhanh, ngành dệt may thêm áp lực
(DNTO) - Pháp tiến tới sẽ trừng phạt các sản phẩm thời trang nhanh, trong khi EU cũng sẽ có những biện pháp ngăn chặn mạnh tay với rác thải từ dệt may. Điều này đặt ra nghĩa vụ mới với các nhà sản xuất.
Cách đây vài ngày, Hạ viện Pháp thông qua dự luật trừng phạt các sản phẩm thời trang nhanh. Theo đó, đến 2030, mỗi sản phẩm này sẽ tăng phí môi trường lên tới 10 euro và các nhà sản xuất cấm quảng cáo sản phẩm thời trang nhanh. Nếu dự luật trở thành luật chính thức, các thương hiệu thời trang nhanh sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Trước đó, Nghị viện châu Âu đề xuất thiết lập các chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), buộc các công ty sản xuất hàng dệt may sẽ phải chịu trách nhiệm thu thập, phân loại và tái chế sản phẩm (quần áo, thảm, nệm...).
Bà Nguyễn Thị Nga, Cán bộ quản lý chương trình phát triển bền vững của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết, giá trị ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ước tính là 3 nghìn tỷ USD, đóng góp 2% GDP thế giới. Để giảm giá thành của sản phẩm, kích thích tiêu dùng, các nhà sản xuất thường sử dụng chất liệu rẻ, khó phân hủy. Do đó vòng đời sản phẩm rất ngắn và điểm đến cuối cùng là bãi rác.
“60-70% vải chúng ta mặc hiện nay từ polyester, tức chất hóa dầu, giống như túi nilon nhưng chẳng qua được đưa vào những chế phẩm làm mềm vải. Thực tế khi xả thải áo quần ra môi trường cũng khó phân hủy như túi nilon, trường hợp xấu nhất là phân hủy ra vi nhựa”, bà Nga nói.
Nhưng, những động thái siết chặt thời trang nhanh từ phía EU đã cho thấy quyết tâm giảm thiểu tác động của ngành dệt may tới môi trường, trong bối cảnh EU đang phải hứng chịu 5,2 triệu tấn rác thải quần áo và giày dép mỗi năm.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, chỉ sau dầu mỏ và chiếm từ 8 - 10% lượng phát thải carbon, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.
Vì vậy, những động thái từ EU được xem là tín hiệu tích cực với môi trường, nhưng lại đặt ra thách thức mới với các nhà sản xuất trong lĩnh vực này, đặc biệt các nhà sản xuất đến từ Việt Nam, top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết không chỉ EU mà các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang và sẽ dần áp dụng hàng loạt những biện pháp như: Cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức... nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
“Các quy tắc trên bắt buộc ngành dệt may phải lấy thời trang bền vững làm định hướng phát triển thay vì thời trang nhanh, rẻ như trước đây. Hiện những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào EU bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế từ thiên nhiên, tái sử dụng phế phẩm. Như vậy, cạnh tranh không chỉ dừng ở yếu tố giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng mà tiêu chí phát triển bền vững sẽ là yếu tố then chốt, đặc biệt tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ”, ông Giang nói.
Để “thoát hiểm”, một số hãng thời trang Việt Nam bắt đầu tung ra thị trường một số sản phẩm sử dụng vải tái chế từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế. Faslink, nhà cung cấp loại vải này cho biết đến nay đã có 40 nhãn hàng sử dụng nguyên liệu này, bán ra 3 triệu sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết vải làm từ bã cà phê cùng với các loại vải làm từ gai, dứa, chuối, tre, sen, bạc hà, bắp... đang phát triển thời gian gần đây đã trở thành xu hướng mới trong ngành thời trang, được thị trường đón nhận tích cực. Đây là cách ngành dệt may Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu bền vững của khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Bởi sản phẩm may mặc hiện nay không chỉ đáp ứng tiêu chí về thời trang mà còn phải thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe.
Hiện nhiều loại cây trồng có thể tách cellulose (một hợp chất hữu cơ) ra để làm làm nguyên liệu trong ngành dệt may. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị đủ công nghệ, năng lực để phát triển hướng sản xuất này. Do đó giá thành sợi vải từ bã cà phê hiện còn cao hơn so với một số loại vải thông thường.
Trong bối cảnh sự thúc ép từ thị trường bên ngoài, doanh nghiệp, nhà sản xuất may mặc không còn lựa chọn, buộc phải chuyển đổi xanh. Nhưng để sự chuyển đổi nhanh hơn, bà Tuyết Mai cho biết cần nghiên cứu có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thu gom, tái chế sản phẩm may mặc.