Đơn hàng đang trở lại với nhiều công ty dệt may
(DNTO) - Nhiều công ty dệt may đang cho biết đã bán hết hàng tồn kho và kí thêm được những đơn hàng mới cho cả quý 2 năm nay.
Song song với việc công bố lãi ròng trong tháng 1/2024 cao gấp 3 lần cùng kì, Dệt may TNG đồng thời thông báo tin vui khác, đó là doanh nghiệp đã có đơn hàng kín hết 6 tháng đầu năm với nhiều “ông lớn” như Decathlon, Nike, Adidas Columbia, Costco, The Children’s Place, Sportmaster … Đồng thời, doanh nghiệp này cũng có thêm nhiều khách hàng mới như Walmart, H&M, LIDL quan tâm đến các mặt hàng áo khoác, áo nỉ, áo bơi, quần legging,..
Để có được tin vui đó, quý 3 năm ngoái, TNG đã phải vượt qua bài kiểm định về chất lượng và công suất nhà máy của các đối tác. "Công ty đã đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng trong việc tuân thủ ESG như xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm phát thải carbon và đảm bảo chế độ cho người lao động", đại diện TNG cho biết.
Quá trình “xanh hóa" trong 6 năm qua tại Tổng công ty May 10 cũng bắt đầu từ việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời áp mái, chuyển từ lò hơi than sang nồi điện để giảm thiểu ô nhiễm,... Công ty cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ để số hóa sản xuất nhằm tăng năng suất, tiết giảm chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các đơn hàng nhỏ lẻ nhưng yêu cầu kết cấu phức tạp, giao hàng nhanh, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2023 được xem là năm khó khăn nhất trong 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may, khi lần đầu tiên xuất khẩu của ngành giảm tới 11%, do nhu cầu của các thị trường lớn như Mỹ, EU… sụt giảm vì những biến động chính trị, kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước áp lực phải “xanh hóa” khi yêu cầu của các thị trường lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường, người lao động ngày một khắt khe. Câu chuyện dệt may Việt Nam mất đơn hàng vào tay các công ty ở Bangladesh đã trở thành chủ đề khiến các lãnh đạo ngành, doanh nghiệp trong ngành phải suy nghĩa.
Năm 2024, câu chuyện “xanh hóa” ngành dệt may được đặt lên hàng đầu vì nó đã trở thành yêu cầu bắt buộc của các thị trường lớn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững như ESG (môi trường, xã hội và quản trị), tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Vì vậy nhà cung cấp nào đáp ứng được các điều kiện này sẽ có được nhiều đơn hàng.
“Hiện những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế từ thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa”, ông Giang nêu ví dụ.
Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành hiểu rằng để giữ được đơn hàng, không còn cách nào khác phải “xanh hóa”, chấp nhận đầu tư thay đổi công nghệ, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ phúc lợi cho người lao động.
Bên cạnh TNG, May 10, rất nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng đang trong nỗ lực tương tự. Dệt may Trung Quy được biết đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng để nhanh chóng có quy trình sản xuất xanh. Nhờ vậy, doanh nghiệp tiết kiệm 60 - 70% lượng nước ở khâu nhuộm, dệt, cung ứng kịp thời nguồn vải đạt chuẩn quốc tế với năng suất 2 triệu mét vải/năm, đồng thời xuất khẩu 2 container vải từ sợi hữu cơ.
Hay Dệt Trần Hiệp Thành đã tiến hành giảm phát thải CO2 bằng việc cắt giảm sử dụng than đá, sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và 30 - 35% nguyên liệu có thể tái chế. Song song với việc này, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận khoản đầu tư đáng kể để thay đổi máy móc, thiết bị, cũng như chi phí gia tăng khi sử dụng nguyên liệu xanh. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp sẽ giữ được đơn hàng.
Năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Những nỗ lực “xanh hóa”, cải thiện quản trị, sản xuất của các doanh nghiệp dệt may được phản ánh vào những chỉ số tích cực mà Bộ Công thương công bố mới đây.
Chỉ số sản xuất tháng 1 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng tăng so với cùng, có sản phẩm tăng cao ở mức 2 con số như vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%... Xuất khẩu hàng dệt may giữ nguyên ở mức 2,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, nỗ lực của riêng các doanh nghiệp là chưa đủ. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để phát triển vải sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi giảm thuế trong các FTA, cần phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn trong xử lý nước thải. Điều này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của các địa phương. Ngoài ra, việc chuyển đổi xanh tiêu tốn nhiều nguồn lực, trong đó có tài chính. Để các doanh nghiệp dệt may có thể chuyển đổi nhanh, cần sự hỗ trợ tín dụng cho vay từ phía các ngân hàng, tổ chức tài chính.