Giá tín chỉ carbon sẽ ngày càng tăng
(DNTO) - Yêu cầu phát triển bền vững tăng lên sẽ khiến giá tín chỉ carbon tăng để tạo sức ép cho các đối tượng gây phát thải lớn, đồng thời cũng đòi lại quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Thu “tiền tươi, thóc thật”
Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1997. Theo đó, các quốc gia, công ty, cá nhân phát thải lớn có quyền mua tín dụng carbon từ các đơn vị, tổ chức phát thải ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó cũng xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ carbon. Một tín chỉ carbon có thể trao đổi tương đương với một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác.
Trên thế giới, thị trường tín chỉ carbon rất sôi động, nhưng ở Việt Nam, khái niệm này mới được nhắc đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây, khi Chính phủ cam kết mục tiêu đạt Net Zero và những thương vụ bán tín chỉ carbon được giao dịch thực tế.
Điển hình như Chương trình khí sinh học tại Việt Nam xây dựng 181.683 công trình khí sinh học tại 53 tỉnh thành, đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Nhờ vậy, đã có 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon được bán ra, thu về 8,1 triệu USD.
Một ví dụ “tiền tươi, thóc thật” khác là ngành lâm nghiệp Việt Nam lần đầu tiên bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
“Diện tích rừng và diện tích đất trồng trọt trên thế giới sẽ bị thu hẹp dần theo thời gian do biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các nước trên thế giới đang rất cao. Chắc chắn trong thời gian tới, giá tín chỉ carbon và những lợi ích mà tín chỉ carbon mang lại sẽ tăng theo thời gian”, ông Võ Nguyễn Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN, nhận định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số và phát triển bền vững FPT Digital cho biết việc phát triển thị trường tín chỉ carbon vừa là thách thức và cơ hội của thị trường Việt Nam. Với tín chỉ carbon sinh ra từ hoạt động giảm phát thải nông nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể bán trên thị trường và thậm chí bán được với giá rất cao.
“Hiện ở thị trường Việt Nam, giá tín chỉ carbon được bán là 5 USD/1 tín chỉ, nhưng sang thị trường có mức độ phát triển hơn thì giá bán có thể lên tới 25-30 USD/1 tín chỉ, một giá trị rất lớn. Khi bán được sang các thị trường top như vậy sẽ là nguồn lực rất tốt để cho ngành nông nghiệp nói chung và cho các doanh nghiệp đang có những tài sản tín chỉ carbon tái đầu tư, cùng thúc đẩy hoạt động giảm phát thải”, ông Tuấn Anh nói.
Mở cửa vào thị trường carbon thế giới
Để thúc đẩy thị trường carbon ở Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị định 06 và Luật Bảo vệ Môi trường, Thủ tướng đã ban hành danh mục giảm phát thải, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trên cơ sở kiểm kê này, doanh nghiệp sẽ có hạn ngạch để sau này thực hiện trao đổi trên thị trường carbon.
Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều nguồn tạo tín chỉ từ hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp có thể tạo tín chỉ từ rừng, năng lượng tái tạo, hay tín chỉ giảm phát thải từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao…
Ông Cường cũng cho biết, từ năm 90 đến nay, Việt Nam đứng top 5 thế giới về trao đổi các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Thông qua các dự án này, chúng ta có 41 triệu tín chỉ và hiện đã có các doanh nghiệp đã trao đổi với quốc tế. Chúng ta hiện đã có tín chỉ năng lượng tái tạo, chuyển đổi tín chỉ carbon và có giao dịch từ thị trường tự nguyện.
Tại Điều 6 thỏa thuận Paris, hiện một số quốc gia, các đối tác quốc tế muốn kí với Việt Nam để trao đổi tín chỉ carbon. Việt Nam hiện đang phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Những vấn đề này đòi hỏi có cơ chế quốc tế. Quốc tế đã và đang hướng dẫn để đầy đủ hóa nội dung của Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Thị trường tín chỉ đã có nhưng thị trường hạn ngạch chưa có. Thủ tướng đã giao và Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Tài chính và các bộ ngành xây dựng và trình Thủ tướng để ban hành sớm nhất Đề án phát triển thị trường carbon. Đề án này quy định đầy đủ các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất, dự kiến 2025 thí điểm, 2027 vận hành chính thức.
“Đương nhiên việc này ta phải cố gắng vì các nước phát triển có cả lịch sử lâu đời. Ngoài ra, rà sóat sửa đổi nghị định 06 đưa vào nội dung mới về quản lý và trao đổi tín chỉ carbon. Làm sao những doanh nghiệp như Vinamilk, TH True Milk hay Vinfast… có các hành động trao đổi mạnh mẽ. Hay những doanh nghiệp sản xuất xi măng, thép quá công suất buộc phải đi mua hạn ngạch.
Theo đề án Bộ Tài chính trình, sẽ có sàn giao tịch tín chỉ carbon do sàn chứng khoán sẽ vận hành vì họ có sẵn nền tảng, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò quản lý và điều tiết cho thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển, thu hút các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia”, ông Cường thông tin.