Hút quỹ vào các dự án giảm phát thải
(DNTO) - Mới đây, VinaCapital thành lập Quỹ đầu tư tác động về khí hậu VinaCarbon. Đây được xem là loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam hướng tới các công ty và dự án có thể tạo ra các tín chỉ carbon. Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Công, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCarbon, VinaCapital về vấn đề này.
Phóng viên: Quỹ nhìn thấy cơ hội gì từ thị trường này, thưa ông?
Ông Vũ Công: Tất cả các quốc gia, bao gồm Việt Nam, đều cam kết giảm phát thải ròng về 0. Thị trường carbon, bao gồm thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này.
Trong thị trường bắt buộc, Chính phủ áp dụng công cụ tài chính carbon để phân bổ hạn ngạch, đánh thuế và tạo ra thị trường giao dịch tín chỉ carbon.
Thị trường tự nguyện cho phép các doanh nghiệp như Lego, Samsung mua tín chỉ carbon từ các dự án theo cơ chế tự nguyện để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0. Các tổ chức như Verra, Gold Standard đứng ra ban hành các tiêu chuẩn để xác định dự án trong lĩnh vực nào sẽ tạo ra bao nhiêu tín chỉ carbon.
Một số chính phủ cho phép sử dụng 5-10% tín chỉ từ thị trường carbon tự nguyện để bù cho tín chỉ thị trường carbon bắt buộc. Ví dụ, một công ty thép phát thải 3 tấn carbon/1 tấn thép nhưng chỉ được Nhà nước cấp hạn ngạch phát thải 2 tấn carbon/1 tấn thép. Họ có thể mua tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện để đền bù.
Tín chỉ carbon trong tương lai sẽ là một loại tài sản. Khi đầu tư vào giai đoạn đầu, các đơn vị tiên phong sẽ chịu nhiều rủi ro hơn nhưng chi phí đầu tư dự án sẽ rẻ hơn. Khi giá tài sản này tăng thì lợi nhuận cũng gia tăng.
* Xin ông cho biết xu hướng này trên thế giới hiện ra sao?
Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với quy mô và số lượng ngày càng tăng. Dự đoán rằng quy mô thị trường sẽ tăng lên, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2050, khi các chính phủ thực hiện các hành động cụ thể như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hoặc Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ.
Các quỹ đầu tư từ Nhật, Singapore, cả quỹ đầu tư của chính phủ và tư nhân đang hướng về Việt Nam để tìm kiếm và lựa chọn các dự án tạo tín chỉ carbon.
* Quy mô và khẩu vị đầu tư của Quỹ VinaCarbon là gì, thưa ông?
Chúng tôi không đặt ra ràng buộc về mức đầu tư dự án. Chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực có thể tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao, như dự án hỗ trợ cộng đồng, máy lọc nước, phát bếp miễn phí cho hộ dân, phát triển than sinh học từ chất thải sinh khối nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc dự án trồng và bảo vệ rừng.
Chúng tôi đang đánh giá một số doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất than sinh học hoặc phát điện từ chất thải. VinaCarbon cũng đang phát triển các dự án có thể tạo tín chỉ carbon, bao gồm khoảng 10 dự án trong các lĩnh vực đã đề cập.
* Tiêu chí nào để quỹ đánh giá dự án tiềm năng?
Dự án đó có khả năng giảm phát thải khí nhà kính là bao nhiêu? Có thể tạo ra lợi ích xã hội nào cho cộng đồng? Ngoài ra có thể tạo ra lợi ích khác về môi trường hay không?
Việc đồng lợi ích rất quan trọng. Ví dụ dự án phát bếp cho người dân vùng sâu vùng xa, ngoài giảm phát thải carbon còn giúp giảm ô nhiễm trong nhà nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh hô hấp so với việc dùng củi, than để nấu nướng trên các loại bếp gạch, bếp kiềng 3 chân như hiện nay.
VinaCarbon chỉ đầu tư vào các dự án carbon chất lượng cao. Do vậy chất lượng của dự án dựa vào yếu tố đồng lợi ích như vậy, tức tạo được bao nhiêu lợi ích cho những đối tượng khác.
Về tiêu chí kĩ thuật, chúng tôi tập trung vào một số bộ tiêu chuẩn chính như Gold Standard, Verra và Puro.Earth. Mỗi bộ tiêu chuẩn đó lại có một bộ tiêu chí để đánh giá dự án trong lĩnh vực nào cần đáp ứng tiêu chuẩn gì. Các bộ tiêu chuẩn này đều theo các tiêu chí thực hành tốt quốc tế.
Chúng tôi định hướng đầu tư dài hạn từ 7-10 năm vì đây là những dự án dài hơi. Việc thoái vốn cũng linh động nhưng sẽ đảm bảo cho các giá trị môi trường, xã hội của dự án được duy trì trong suốt vòng đời của dự án dù quỹ còn giữ vốn hay thoái vốn.
* Ở Việt Nam hiện có nhiều dự án tiềm năng chưa, thưa ông?
Việt Nam có tiềm năng phát triển dự án giảm phát thải, như tái tạo cỏ biển, trồng rừng ngập mặt, và canh tác lúa gạo. Các dự án năng lượng tái tạo, thuỷ điện nhỏ cũng có thể tạo ra tín dụng năng lượng tái tạo (I-REC).
Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu nhận thức kỹ thuật và nguồn nhân lực. Chưa nhiều doanh nghiệp hiểu về lĩnh vực tiềm năng và nơi đầu tư.
Việt Nam chưa có đơn vị tư vấn và thẩm định dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số đơn vị hoạt động trong nước là đơn vị quốc tế.
VinaCarbon sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc thiết kế và triển khai dự án, đăng kí với các cơ quan cấp tín chỉ.
Giảm phát thải là tối ưu hoá nguồn lực, giảm nguyên liệu đốt, giảm nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí nguyên liệu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc có vốn đầu tư FDI đã tính đến việc này và đi sớm hơn các doanh nghiệp nội địa.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!