Kinh tế trưởng của VinaCapital: Chúng tôi không lo lắng về Trung Quốc và Fed
(DNTO) - Nói về những yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2022, chuyên gia trưởng của VinaCapital cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hay Trung Quốc sẽ không phải là nỗi lo lắng.
Năm 2022 được đánh giá là một năm với nhiều biến động, thị trường chứng khoán trong nước sẽ phải đứng trước nhiều rủi ro và thách thức mới, đặc biệt với những tác động bên ngoài như chính sách từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay tình hình kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, các yếu tố vĩ mô trên không phải là điều quá lo lắng khi bản thân nội tại tình kinh tế trong nước đang duy trì nhiều yếu tố tích cực.
Bong bóng bất động sản Trung Quốc đang xẹp dần
Với chủ trương "Zero Covid" cùng với diễn biến bất thường từ sự kiện của Evergrande, Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại.
Những lo ngại về những đợt phong tỏa có thể kéo dài hay nguy cơ bùng nổ của bong bóng bất động sản khi Evergrande đang để lộ nhiều điểm yếu khiến GDP nước này được nhiều chuyên gia nhận định sẽ giảm trong năm 2022. Và một khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng, những tác động của nó trên nền kinh tế trong nước sẽ không phải là ít.
Tuy nhiên theo, ông Michael Kokalari, năm 2022, tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ là "đáng kinh ngạc". Điều này xuất phát từ các nguyên do: Thứ nhất, năm nay sẽ là một trong những năm quan trọng nhất về mặt chính trị đối với Trung Quốc trong lịch sử hiện đại, khi Tập Cận Bình sẽ có thể bước vào nhiệm kỳ thứ ba – điều chưa từng có từ trước đến nay trong nền chính trị nước này.
"Trung Quốc đã không đưa ra giải pháp kích thích nền kinh tế để bù đắp ảnh hưởng của Covid, do đó quốc gia này vẫn có nhiều dư địa để tiến hành các chính sách tiền tệ quyết liệt và kích thích tài khóa, và Chính phủ nước này đã đưa ra tín hiệu rõ ràng cho việc sẽ sử dụng cả hai chính sách để ổn định kinh tế", Michael Kokalari nhận định.
Ngoài ra, động thái cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương nước này trong tháng 12, cùng với khả năng gia tăng phê duyệt các khoản vay thế chấp và mở rộng tín dụng với doanh nghiệp bất động sản, cho thấy nước này "đang từng bước, có trình tự làm yếu dần bong bóng bất động sản".
Tuy nhiên trong tương lai, ngay cả khi GDP nước này suy giảm, thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam.
"Tăng trưởng GDP thấp hơn ở Trung Quốc sẽ không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, một phần bởi vì thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc, đang ở mức bình quân hơn 10% GDP của Việt Nam trong 5 năm qua (và 15% trong 2021!)", ông Michael Kokalari cho biết.
"Chúng tôi không lo lắng về Fed"
Trong khi giới đầu tư đang dõi theo từng ngày về kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong năm với lo ngại về những tổn hại đối với giá cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, bao gồm có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo vị kinh tế trưởng của VinaCapital, ông không tin "Fed sẽ tuân thủ đúng theo những kế hoạch dự kiến về tăng lãi suất 3 lần mà họ thông cáo và quan trọng hơn, Việt Nam đang ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay".
Phân tích tác động của sự kiện “taper tantrum” lên tỷ giá hối đoái các quốc gia, ông chỉ ra: "Tỷ giá hối đoái của các quốc gia dự trữ không đủ ngoại hối đã bị mất giá hơn 10% trong sự kiện “taper tantrum”, dẫn đến sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán của các quốc gia này; còn những quốc gia có đủ dự trữ ngoại hối đã đứng dậy sau sự kiện “taper tantrum” và tương đối không có tổn thương gì".
Hiện Việt Nam đã có mức dự trữ ngoại hối khoảng 100 triệu USD, cao xấp xỉ 10% hơn mức gợi ý của IMF đối với dự trữ quốc gia, và nợ được định danh bằng đồng ngoại tệ vẫn ở mức dưới 40% GDP, trong đó khoảng một nửa về cơ bản là các khoản vay “mềm” được ưu đãi.
"Do đó, các khoản nợ này không làm tăng tính dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với điều kiện thắt chặt chính sách tiền tệ thế giới", ông Michael Kokalari nhận định.
"Nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam ngày càng thông minh hơn một cách đáng kinh ngạc"
Thị trường chứng khoán năm 2022 được nhận định đã hội tụ nhiều yếu tố tích cực, đặc biệt là sự trưởng thành của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
"Nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam cũng ngày càng thông minh hơn một cách đáng kinh ngạc khi họ bắt đầu tập trung vào các yếu tố tăng trưởng kinh tế, môi trường vĩ mô thế giới (bao gồm cả việc Fed cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng...), và các tiến triển mới của các ngành cụ thể", chuyên gia của VinaCapital nhận định.
Và với việc chiếm 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường, "các nhà đầu tư chủ động với phương pháp đầu tư đúng đắn, dự đoán được dịch chuyển giữa các ngành và có thể ước đoán chính xác tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đơn lẻ sẽ có vị thế thuận lợi để tăng vượt chỉ số VN-Index".