Phát thải 70 triệu tấn CO2 mỗi năm, doanh nghiệp ngành xi măng rốt ráo tìm cách giảm carbon
(DNTO) - Doanh nghiệp trong những ngành phát thải lớn như xi măng hiện nay đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nỗ lực giảm lượng phát thải ra môi trường.
Chia sẻ trong toạ đàm: “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương”, hôm 4/9, PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết xi măng là ngành có phát thải khí nhà kính chiếm 80% trong ngành vật liệu xây dựng. Trong 5 năm trở lại đây, ngành xi măng phát thải từ 62-70 triệu tấn CO2 mỗi năm, trong đó chủ yếu phát thải đến từ sản xuất clinker (vật liệu kết dính trong nhiều sản phẩm xi măng).
Các doanh nghiệp xi măng cho đến nay đều đã biết đến yêu cầu giảm phát thải khi từ 2026, nhà nước chính thức giao hạn ngạch phát thải cho từng nhà máy xi măng. Hiện có 60 nhà máy sản xuất xi măng trên toàn quốc có sản xuất clinker đều nằm trong diện sẽ phải kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải.
Ông Long cho biết, muốn giảm được phát thải thì phải tìm được nguồn gốc của phát thải. Phát thải lớn nhất trong ngành xi măng là nguyên liệu. Nhưng các nhà khoa học dự báo trong thế kỉ 21 vẫn phải dùng xi măng để làm chất kết dính trong xây dựng, vì vậy cũng chưa thể tìm thấy con đường giảm phát thải trong sản xuất clinker.
Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí nhiệt nung clinker (chiếm khoảng 36% phát thải CO2), về tương lai có thể sử dụng nhiên liệu biomass. Còn hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như rác thải.
“Hiện có khoảng hơn 10/60 nhà máy xi măng sử dụng nhiên liệu từ rác thải, thay thế 30-45% cho nhiên liệu than. Ngoài ra cũng đã có giải pháp để giảm thiểu lượng clinker trong xi măng còn 5-10%, dự kiến sẽ giảm đáng kể phát thải. Có doanh nghiệp đang nghiên cứu thu giữ và chôn lấp CO2 trong quá trình sản xuất clinker xi măng. Mặc dù giải pháp này mới bắt đầu nhưng chúng tôi tin rằng mục tiêu giảm phát thải ngành xi măng có thể đạt được”, ông Long nói.
Trong 2.166 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, có tới 1.805 doanh nghiệp thuộc ngành công thương.
Bên cạnh việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ, ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), cho biết các bản báo cáo khí nhà kính sẽ trở thành báo cáo cơ bản của doanh nghiệp trong hoạt động giao thương quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông An, mặc dù các thông tin về thị trường carbon gần đây đã đánh động tới một số nhóm doanh nghiệp nhưng kể thị trường carbon bắt buộc hay tự nguyện thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu nhiều yếu tố.
Cụ thể ở các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn thiếu lực lượng nhân sự, chuyên gia, cố vấn hiểu về thị trường carbon. Một nghiên cứu cho thấy đến 2030, riêng lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu thiếu 150.000 nhân sự.
Chưa kể, các tổ chức, quỹ đầu tư quốc tế khi tìm hiểu để hỗ trợ và đầu tư cũng loay hoay không biết vào thị trường tín chỉ carbon Việt Nam sẽ được vận hành như thế nào giữa thị trường bắt buộc và tự nguyện.
“Rõ ràng 2 thị trường này phải có mối tương quan, phối hợp với nhau để đạt mục tiêu Net Zero, nhưng nhiều chuyên gia chưa thấy được điều này. Ở các nước phát triển sẽ thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trước, trước khi phát triển thị trường bắt buộc vì nó liên quan đến việc chuyển đổi chiến lược đầu tư, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông An nói.
Để tín chỉ carbon bán được giá trị cao thì quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải tuân thủ quy định kĩ thuật nghiêm ngặt. Do đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 38 quy định hệ thống đo đạc, kiểm kê khí nhà kính của ngành công thương. Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết khi doanh nghiệp tuân thủ hệ thống này thì giá trị tín chỉ sẽ cao hơn khi giao dịch.
“Chúng tôi học tập thị trường đã và đang thành công như EU, Trung Quốc, Mỹ để xây dựng thông tư 38 phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam, giúp doanh nghiệp có tiếp cận từ bước đơn giản nhất và nâng cao theo thời gian. Khi doanh nghiệp thực hành nhuần nhuyễn thì thị trường carbon Việt Nam có thể đạt được tiêu chuẩn như thị trường quốc tế”, ông Tâm nói.
Tuy vậy, vị này cũng cho rằng để thực hiện chuyển đổi xanh, cần công nghệ đột phá chứ không chỉ dừng lại ở đổi mới các công nghệ truyền thống. Bên cạnh công nghệ đột phá trong chuyển đổi sản xuất, tương lai dài hơn phải nghĩ tới công nghệ lưu trữ và chuyển đổi carbon.
“Mặc dù đây là những công nghệ ngày cả các quốc gia phát triển hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn để đón trước xu thế. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi chuẩn bị nguồn tài chính lớn để đầu tư cho công nghệ”, ông Tâm nói.