Cuộc săn tìm startup của các tập đoàn 'nóng' dần
(DNTO) - Sức ép của thị trường nhiều biến động buộc các doanh nghiệp, tập đoàn phải luôn tìm kiếm các cách thức đổi mới sáng tạo, và không cách nào nhanh hơn là việc bắt tay với các startup.
Sánh đôi để đi đường dài
Từng là nền tảng phát trực tuyến hàng đầu thế giới, Netflix hiện đã mất gần 1,2 triệu người đăng ký vào năm nay. Sự cạnh tranh của nhiều công ty truyền thông, cùng với chất lượng nội dung đi xuống, vấn nạn chia sẻ tài khoản… là những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của Netlix sụt giảm.
Thực ra, đây không phải là những vấn đề mới của thị trường phát trực tuyến, và đã đến lúc Netflix phải có bước tiếp theo mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề mà hãng đang gặp phải, nếu không muốn đi theo vết xe đổ của Nokia, Kodak hay Yahoo…
Chia sẻ về việc nhiều doanh nghiệp lớn thường “ngại” đổi mới sáng tạo, ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB, cho hay, trước kia, doanh nghiệp thường quen với cách làm truyền thống, muốn tạo ra sản phẩm mới hay thay đổi cần nhiều thời gian nghiên cứu, do vậy các sản phẩm mới thường phải trải qua giai đoạn “thung lũng chết” nên các doanh nghiệp thường không mặn mà nghiên cứu. Tuy vậy, khi startup xuất hiện đã thay đổi điều này.
“Trên thế giới cũng thống kê, cứ 100 sản phẩm mới ra thì chỉ có 50% sản phẩm có thể tồn tại, mặc dù các công ty đã chi số tiền lớn để nghiên cứu thị trường. Do vậy, các tập đoàn, công ty lớn không thích đổi mới, đi đầu mà thường cải tiến để duy trì doanh thu, để đảm bảo các cổ đông và áp lực về tài chính.
Thế nhưng, các startup xuất hiện và tạo nên những cơn sóng thần khiến thị trường chuyển dịch. Trước đây Kodak cũng vậy, họ cũng đi truyền thông về máy ảnh phim, vì đó là doanh thu, không thể nào bỏ hẳn để chuyển sang phim kỹ thuật số được dù họ là người phát minh ra máy chụp hình kỹ thuật số. Một ngày đẹp trời, điện thoại thông minh ra đời và Kodak bị rớt xuống”, ông Mã Thanh Danh nói.
Đặc biệt, trong một thế giới biến động không ngừng, đặc biệt là sau đại dịch, nhu cầu của khách hàng liên tục thay đổi, các doanh nghiệp luôn luôn phải tìm cách để đổi mới sáng tạo. Nếu như trước kia, các doanh nghiệp còn khá thờ ơ đến điều này, thì trong và sau đại dịch, suy nghĩ này đã khác.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh và Thương hiệu tại EY Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp lớn cũng phải bắt đầu nghĩ đến nhiệm vụ “khởi nghiệp” để không chỉ tái sản xuất kinh doanh, mà còn tạo dựng những giá trị dài hạn.
“Thị trường ngày càng bị pha loãng nên cách tiếp cận tốt nhất là xây dựng mô hình 2 trong 1 tại doanh nghiệp, lấy đổi mới sáng tạo làm cốt lõi của chiến lược và công tác lãnh đạo”, ông Thắng nhấn mạnh và cho biết không cách nào nhanh hơn là doanh nghiệp cần bắt tay với startup.
Ráo riết tìm startup
Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư IPA (công ty mẹ của VNDIRECT) cùng Tập đoàn Phú Thái và Tập đoàn Stavian, quyết định bỏ chung tiền vào quỹ ThinkZone Fund II, với quy mô 60 triệu USD. Quỹ này tập trung tìm kiếm các startup từ vòng hạt giống đến Series A và mở rộng góp vốn lên tới 3 triệu USD cho mỗi thương vụ.
ThinkZone Fund II cũng là một trong số ít quỹ được thành lập dựa trên Nghị định 38 của Chính phủ về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong năm ngoái, LT Partners - Quỹ Tìm kiếm đầu tiên tại Việt Nam được thành lập, đã nhận cam kết đầu tư từ 15 nhà đầu tư quốc tế với tổng số vốn hơn 30 triệu USD. Quỹ Tìm kiếm hay còn gọi là Search Fund là một hình thức đầu tư cho phép các doanh nhân trẻ có cơ hội mua lại, quản lý và phát triển một doanh nghiệp tại nước sở tại.
Trước đó, nhiều tập đoàn tư nhân hàng đầu trong nước đã mở rộng danh mục đầu tư của mình về phía thị trường khởi nghiệp. Cụ thể như Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Ventures có mức đầu tư 300 triệu USD; Tập đoàn CMC cũng đã thành lập Quỹ sáng tạo CMC; hay Tập đoàn FPT có Quỹ FPT Ventures… nhằm rót vốn vào các startup đổi mới sáng tạo, vừa là cách mở rộng danh mục đầu tư, vừa làm giàu cho hệ sinh thái của mình.
Việc ‘kết đôi’ giữa tập đoàn và startup được xem là cuộc làm ăn đôi bên cùng có lợi. Về phía startup, họ sẽ có cơ hội “nương” vào hệ sinh thái rộng lớn của các tập đoàn để mở rộng kinh doanh. Còn về phía tập đoàn, doanh nghiệp cũng có cơ hội thêm nguồn đổi mới sáng tạo để tăng trưởng. Tuy vậy, không phải lúc nào mối lương duyên này cũng tốt đẹp.
Bởi theo các chuyên gia, do mô hình kinh doanh khác nhau nên tầm nhìn giữa doanh nghiệp lớn và startup cũng khác nhau, điều này sẽ tạo nên sự “lệch pha” khi kết hợp. Do vậy, bản thân doanh nghiệp, tập đoàn lớn và startup đều phải thay đổi tư duy nếu muốn kết hợp đường dài với nhau.