Dòng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào startup đang thận trọng hơn trong bối cảnh thế giới biến động. CB Insights dự báo nguồn vốn huy động được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Á sẽ giảm 31% trong quý 4 cho đến nửa đầu năm sau.

“Đói vốn” buộc các startup công nghệ lũ lượt cắt giảm nhân sự, tìm mọi cách để tối ưu chi phí. Theo trang theo dõi hoạt động cắt giảm nhân sự Layoffs.fyi, 20.514 người đã mất việc làm tại các startup công nghệ trên toàn cầu kể từ tháng 4.

Những lo ngại về “mùa đông” startup công nghệ đang dần hiện hữu khi làn sóng sa thải nhân sự tại các công ty công nghệ đang lan rộng, bắt đầu từ Bắc Mỹ cho đến châu Á và gần nhất là Đông Nam Á.

Câu hỏi đặt ra là thị trường khởi nghiệp Việt Nam có bị ảnh hưởng khi nguồn vốn cho startup chủ yếu phụ thuộc vào các quỹ ngoại (Năm 2021, trong 178 thương vụ đầu tư cho startup Việt, có tới 145 thương vụ do quỹ ngoại thực hiện).

Câu trả lời sẽ có trong buổi trò chuyện giữa Tạp chí Doanh Nhân Trẻ với ông Bùi Thành Đô, Founding Partner và CEO của ThinkZone Ventures – quỹ đầu tư nội địa có nguồn lực lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Empty

PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến làn sóng các công ty công nghệ ồ ạt cắt giảm nhân sự?

Ông Bùi Thành Đô: Thế giới đang đối diện với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng các startup công nghệ, từ chiến tranh thương mại, vấn đề cơ sở hạ tầng, dầu mỏ…ảnh hưởng rất nhiều nền kinh tế khác nhau. Nếu theo số liệu Layoffs.fyi thì các ngành khác ảnh hưởng nhân sự lớn hơn rất nhiều chứ không chỉ riêng công nghệ.

Thực ra, xét về ngành công nghệ cũng có rất nhiều mô hình, nhưng đa phần các mô hình dạng Enabling technology (công nghệ hỗ trợ), tức người ta mang công nghệ vào chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, tối ưu hiệu quả kinh doanh, tối ưu khách hàng B2B…

Tất cả các ngành kinh tế ảnh hưởng thì ngành công nghệ sẽ bị ảnh hưởng thôi. Nhưng kèm theo đó là yếu tố tiêu cực, mang tính khách quan là khi khách hàng ảnh hưởng, các công ty công nghệ cũng ảnh hưởng theo. Ngoài ra, nhu cầu chi tiêu của người dân thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng tới startup công nghệ kinh doanh dịch vụ B2C.

* Vậy startup sẽ lụi tàn hay có cuộc lột xác sau “mùa đông” này?

- Bên cạnh các startup bị ảnh hưởng, chúng ta thấy, có rất nhiều mô hình kinh doanh của startup công nghệ tăng trưởng tốt sau đại dịch như startup trong mảng online hay công nghệ giáo dục.

Các startup giáo dục tăng trưởng rất tốt vì trong quá trình đại dịch và hậu đại dịch, nhu cầu học tập thay đổi, hạ tầng của các dịch vụ online tiếp cận đến người dân ở các vùng nông thôn nâng cao. Đây là điểm mà chúng tôi thấy tích cực.

Bản chất ThinkZone đầu tư rất nhiều công ty công nghệ thì thấy startup tăng trưởng tuyệt vời và các startup chúng tôi đã đầu tư đều ghi nhận sự tăng trưởng về nhân sự, không starutp nào giảm.

Khi chúng ta nhìn vào mô hình kinh doanh, chúng ta không đánh đồng hết là các công ty công nghệ đang bị ảnh hưởng, mà có phần lớn công ty công nghệ ảnh hưởng, đó là mô hình cần nguồn lực lớn để sống từ các quỹ đầu tư, ví dụ nhiều mô hình cần bơm rất nhiều tiền để sống thì ảnh hưởng rất nhiều.

Bởi khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, các tập đoàn tài chính mạnh họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì rất nhiều danh mục đầu tư của họ là các tập đoàn lớn và các tập đoàn lớn khi gặp khó khăn thì vết thương sâu hơn rất nhiều. Ảnh hưởng đó dẫn đến công ty công nghệ, như các công ty về nền tảng kinh tế chia sẻ ảnh hưởng rất nhiều, mất đi hàng tỷ USD trong các quý, các mô hình du lịch đang phục hồi nhưng tốc độ chưa thực sự nhanh.

Vết thương sau 2 năm Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp cần thêm nguồn vốn để phục hồi, nhưng càng một cơ thể càng lớn thì càng cần nguồn máu (nguồn vốn) lớn, mặc dù có cơ hội tái sinh nhưng phải cần nguồn lực mạnh mẽ thì mới tái sinh được. Do vậy, với nguồn vốn hạn chế như hiện nay thì startup cần một cơ thể tinh gọn hơn để họ bắt đầu vực dậy và xây dựng lại những thứ họ thấy hiệu quả hơn thay vì duy trì bộ máy nhân sự lớn.

Sau 2 năm đâu đó các công ty cũng nhìn nhận được đâu là dịch vụ cốt lõi của họ, đâu là dịch vụ có thể duy trì một cách bền vững và tăng trưởng nhanh. Có một số công ty cắt một số hoạt động kinh doanh của họ vì khủng hoảng và họ nhìn thấy không hiệu quả và thay đổi. Và yếu tố khách quan là sau đại dịch, hành vi của người dùng thay đổi, khác đi rất nhiều, đôi lúc người ta phải bỏ đi những nhân sự không phù hợp với loại hình kinh doanh mới.

* Khi dòng chảy vốn hẹp lại, liệu các startup công nghệ sẽ không đi theo mô hình ‘đốt tiền’ để tăng trưởng?

- Thực ra đôi lúc người ta vẫn cần sử dụng một nguồn lực rất lớn để educate (giáo dục, định hướng) hành vi của người dùng. Khi hành vi người dùng được educate sẽ tạo ra một mô hình kinh doanh mới, trải nghiệm dịch vụ mới.

Còn tất nhiên nếu nói chỉ đốt tiền để tăng trưởng mà không tạo ra giá trị mới cho xã hội, không giúp cho người dùng thay đổi thói quen hành vi và không giúp khách hàng ở lại và tiếp tục sử dụng liên tục thì điều đó chưa bao giờ bền vững.

Nếu biết sử dụng nguồn vốn phù hợp cộng thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư, từ hành vi, nhu cầu của thị trường cộng hưởng và khi người dùng họ sử dụng họ cảm thấy có giá trị, tiếp tục quay trở lại dùng thì đó là một mục tiêu bền vững.

Khi đầu tư, chúng tôi quan tâm rất nhiều chỉ số, trong đó chỉ số quay trở lại của người dùng, vì nếu người dùng quay trở lại sử dụng dịch vụ một cách đều đặn thì luôn luôn tìm được cách đưa mô hình trở thành bền vững.

Nếu chúng ta chỉ dùng tiền đầu tư “đốt” cho marketing, đốt cho bán hàng, tìm cách thuyết phục khách hàng mua hàng với một chi phí rất đắt đỏ, sau đó khách hàng không duy trì sử dụng dịch vụ đó thì nó sẽ không đủ bảo đảm cho mô hình kinh tế. Lúc này startup rất dễ thất bại và rất mong manh khi gặp bất kì khủng hoảng nào.

* Phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư mạo hiểm ngoại, chắc chắn, thị trường khởi nghiệp Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng?

- Tôi nghĩ nếu nhìn rộng vào toàn cầu, số vốn đầu tư vào mô hình kinh doanh sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian tới. Đâu đó rất nhiều tập đoàn nhìn nhận rằng nguồn vốn sẽ đầu tư vào các nơi an toàn hơn, nên tất nhiên nguồn vốn đầu tư mạo hiểm sẽ giảm đi, và sẽ chỉ chảy vào những mô hình chứng minh được hiệu quả kinh doanh thực sự.

Nếu nhìn thị trường Đông Nam Á và Việt Nam, thực sự Việt Nam đang “hứng” nhu cầu và sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trên thế giới. Quy mô dân số trẻ cộng hạn tầng internet, thanh toán đang phát triển tốt, tính ổn định chính trị, Việt Nam đang được đánh giá cao. Từ nay đến 2030, rất nhiều tập đoàn lớn đều dự báo nền kinh tế công nghệ và Internet Việt Nam tăng trưởng 11 lần, vì vậy Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nếu nhìn vào thế giới bị ảnh hưởng chung và có thể ảnh hưởng vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng tôi vẫn tin nền kinh tế internet và công nghệ của Việt Nam tiềm năng trong ít nhất 10-20 năm nữa, dù khủng hoảng có thể làm chậm đi quá trình này.

Bằng chứng là có rất nhiều quỹ đầu tư hiện tại họ bắt đầu tuyển dụng ở Việt Nam những người quản lý quỹ, phân tích đầu tư hay chuyển trụ sở vào Việt Nam vận hành vì họ muốn xây dựng nguồn lực, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hỗ trợ các thương vụ họ đã đầu tư ở đây.

Rất nhiều tập đoàn lớn như BIG4 (4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới gồm Pricewaterhouse Coopers, Deloitte, Ernst and Young, KPMG) bắt đầu quan tâm đến thương vụ đầu tư vào startup thay vì đầu tư vào các ngành nghề truyền thống như bất động sản.

Một yếu tố nữa là các cơ quan nhà nước ở Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dành nhiều sự quan tâm cho hành lang chính sách làm sao hỗ trợ cho dòng vốn đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được kích cầu, có ưu đãi và hỗ trợ về mặt quy trình. Tất cả yếu tố đó hỗ trợ dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam.

Empty

* Năm ngoái, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào VN đạt kỷ lục 1,5 tỷ USD nhưng chỉ chảy vào một số startup tiêu biểu. Năm nay, với việc siết chặt dòng vốn ngoại, theo ông, startup Việt Nam cần được hỗ trợ gì?

- Phần lớn startup Việt Nam nằm ở giai đoạn sớm, quy mô vốn đa phần gọi 3-4 triệu USD, các startup gọi 5-10 triệu USD cho đến “kỳ lân” không nhiều. Startup Việt Nam giai đoạn đầu vẫn thiếu nguồn lực hỗ trợ, đơn giản chỉ đầu tư bằng tiền.

ThinkZone ngay từ đầu bám sát vào chuyện sẽ hỗ trợ nhiều thứ hơn là đầu tư tài chính. Như bạn thấy chúng tôi đầu tư rất nhiều startup giai đoạn sớm cho đến giai đoạn tăng tốc và series A.

Hiện nay startup có nhiều cơ hội gọi vốn từ các quỹ đầu tư không chỉ Việt Nam mà cả nước ngoài. Có rất nhiều quỹ nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện ở đây và tạo ra nhiều kết nối với các quỹ nội địa như ThinkZone. Chúng ta đã có rất nhiều nhà đầu tư thiên thần bắt đầu tham gia và cũng có một số tập đoàn tư nhân mang nguồn lực của mình ra đầu tư. Điều đó tạo ra hệ sinh thái tốt đẹp.

Nhưng không chỉ là nguồn lực mà còn là tư duy giải quyết vấn đề mới là quan trọng. Có rất nhiều đơn vị ở Việt Nam đang cố gắng educate thị trường, những ai trở thành sáng lập họ có tư duy bài bản hơn, kiến thức tốt hơn, giúp cho cơ hội thành công của startup nhanh hơn. Startup Việt Nam đa phần còn ở giai đoạn mới, cần sự hỗ trợ của các nguồn lực nội địa nhiều hơn.

Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa startup, quỹ đầu tư, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là sự tham gia nhiều hơn của các tập đoàn lớn để có một nguồn lực nội địa đủ mạnh hỗ trợ startup.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bài và thiết kế: Huyền Trang