Áp lực nhân sự cho các 'kỳ lân' mới
(DNTO) - Việt Nam được dự đoán có khả năng sẽ đón thêm khoảng nhiều kỳ lân mới trong khi nhiều startup tăng trưởng vượt bậc sau đại dịch. Tuy vậy, tài sản giá trị nhất của các startup là đội ngũ con người, và nguồn lực này còn rất thiếu.
Một báo cáo mới đây của HSBC và KPMG đã cho thấy những triển vọng của thị trường khởi nghiệp Việt Nam khi được dự đoán là mảnh đất màu mỡ để phát triển những “kỳ lân” tiềm năng. Cụ thể, có 10 cái tên nổi bật tại Việt Nam được xem là “người khổng lồ mới nổi”, gồm CoolMate, Propzy, Sendo, Clevai, Lozi, VUI, Jio Health, EveHR, HomeBase, Sipher.
Thế nhưng, quy mô startup càng lớn thì yêu cầu nhân lực chất lượng cao càng gia tăng. Và đặc biệt, trong startup đổi mới sáng tạo, nhân lực được xem là tài sản quý giá nhất và động lực chính để startup có thể phát triển. Tuy vậy, tình trạng “đói” nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, vẫn là bài toán nan giải đặt lên vai các doanh nghiệp.
Đánh giá của World Bank cho thấy, chưa đến 30% người lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn và chỉ 10% đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.
Trong cơ cấu nguồn nhân lực của nền kinh tế nước ta, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật trên tổng lao động chỉ đạt hơn 1%. Tỷ lệ này tương đối thấp so với Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Việt Nam cần tăng khoảng 40% mỗi năm số lượng sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật so với hiện nay để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, theo Bộ Thông tin và truyền thông.
Đơn cử như tại FPT Software miền Trung, nhu cầu tuyển dụng mới 8.000 người để tăng quy mô nhân sự trong hai năm tới, nhưng các trường đại học ở Đà Nẵng hiện chỉ đào tạo được khoảng 2.000 sinh viên công nghệ thông tin mỗi năm.
Hay trong ngành lập trình game, một lĩnh vực hot góp phần tạo nên 2 kỳ lân của Việt Nam là VNG và Sky Mavis, cũng trong tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng.
Theo Statista, nguồn nhân lực trong ngành game tại Việt Nam chỉ khoảng 25.000 người, còn thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu thị trường, trong khi nước ta có rất ít môi trường đào tạo về lập trình game chuyên sâu, bài bản.
‘Khát’ nhân sự đồng nghĩa với việc mức lương chi trả cho các nhân sự, đặc biệt là nhân sự chuyên môn cao ngày càng tăng. Điều này lại tăng thêm áp lực cho startup, trong bối cảnh startup luôn trong tình trạng đói vốn, thiếu và yếu về kỹ năng quản trị.
Đó là lý do mà bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á cho rằng, câu chuyện thiếu hụt nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam sẽ là một trong những trở ngại cho quá trình phát triển kinh tế số. Không phải vấn đề chất lượng, mà số lượng nhân lực là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm giải quyết.
Tuyển dụng nhân lực chất lượng cao đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn. Theo khảo sát từ Anphabe, tốc độ chuyển việc trung bình nửa tháng đầu năm 2022 lên tới 30-40% ở nhiều ngành và vị trí trọng điểm. Điều này đặt áp lực trên vai doanh nghiệp về việc phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Tuy vậy, một quan điểm khác cho rằng startup Việt Nam cũng đang có cơ hội tuyển dụng các nhân lực quốc tế, khi làn sóng sa thải nhân sự công nghệ đang diễn ra ồ ạt trên toàn cầu. Nhưng nhìn lại thì cũng không dễ để doanh nghiệp Việt Nam tuyển dụng nhân sự từ quốc tế, vì những yêu cầu cao về mức lương và chế độ đãi ngộ.
Với những doanh nghiệp lớn, họ luôn sẵn sàng đào tạo nhân sự từ đầu vì họ có đủ nguồn lực, đủ phòng ban để làm điều đó, nhưng với startup thì không thể. Với quy mô nhỏ, yêu cầu tinh giản tối đa nhân sự, vận hành tinh gọn và chạy đua với thời gian, startup cần những nhân sự chất lượng cao, có khả năng làm nhiều việc cùng lúc.
Giải pháp dài hạn và căn cơ là phát triển nhanh và mạnh nguồn nhân lực đã được nhắc đến nhiều, thế nhưng cần phải có những sự thay đổi mạnh mẽ hơn, trong đó thay đổi quan trọng nhất là từ hệ thống giáo dục hiện tại – nơi cung ứng nguồn lao động tương lai của đất nước. Khi những bất cập tại các cơ sở giáo dục vẫn còn sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nhân lực tương lai.