‘Thay máu’ đội ngũ nhân sự trong bình thường mới: Lời khuyên từ chuyên gia
(DNTO) - Những di chứng về sức khỏe, tinh thần, tài chính đến từ Covid-19 buộc doanh nghiệp cần có chiến lược tái cơ cấu nhân sự mạnh mẽ để thúc đẩy đội ngũ trở lại sau đại dịch.
Quay trở lại làm việc sau thời gian giãn cách kéo dài, những mất mát, lo lắng do dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, năng suất làm việc của đội ngũ lao động tại các doanh nghiệp.
Bà Thái Vân Linh - Founder và CEO TVL Group cho biết, các chủ doanh nghiệp hiện nay đang khá đau đầu khi vừa phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần, vừa phải đảm bảo hiệu quả công việc của nhân sự. Vì vậy, điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải hiểu những gì có thể tạo động lực, tạo sự ổn định cho nhân viên, trước khi nghĩ về việc làm sao đánh giá hiệu quả làm việc của họ.
“Lãnh đạo cần thường xuyên chia sẻ với nhân viên về kế hoạch của công ty, trong trường hợp nào sẽ trở lại làm việc tại văn phòng, trường hợp nào sẽ tiếp tục làm việc tại nhà. Có người muốn làm ở nhà, có người muốn được làm ở văn phòng. Tôi mong muốn hoạt động trở lại như cũ càng sớm càng tốt để mọi người thấy được sự ổn định, tuy nhiên, hiện tôi cũng chưa vội để nhân viên trở lại văn phòng vì chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ ra sao, việc nhân viên phải thay đổi liên tục môi trường làm việc sẽ khiến mọi người khó chịu”, bà Linh cho hay.
Còn theo bà Veo Nguyễn – Trưởng bộ phận Thu hút nhân tài tại Techcombank Việt Nam, trong lúc đại dịch nổ ra, các doanh nghiệp hầu hết dành thời gian để phản ứng với dịch bệnh nên không có thời gian nhìn lại các thiết kế công việc.
Vì vậy, đối với Techcombank, bất cứ khi nào có thời gian trống, các bộ phận liên quan sẽ đều nhìn lại thiết kế công việc, tức tìm hiểu lại tổng thể các công việc của cả tổ chức, xem cấu trúc công việc như thế nào. Từ việc thay đổi hành vi khách hàng sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ có thể nhanh chóng thay đổi cấu trúc công việc cho phù hợp. Việc thường xuyên tái cấu trúc công việc sau đại dịch sẽ giúp doanh nghiệp biết được bộ phận nào quan trọng, bộ phận nào dư thừa để có chiến lược cắt giảm hoặc tuyển dụng phù hợp.
“Ví dụ ở Techcombank, trong đại dịch, nhu cầu tuyển dụng nhân tài công nghệ bùng nổ. Từ 2019 đến nay, đội ngũ công nghệ tăng gấp 3 lần và dự kiến tăng tiếp, tới năm 2022 sẽ là khoảng 1.600 người. Vì vậy, nếu không có kế hoạch trước sẽ không đáp ứng được nhu cầu này”, bà Veo Nguyễn chia sẻ.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, việc điều chỉnh chế độ phúc lợi cho nhân viên sau đại dịch cũng rất quan trọng. Bởi trước kia, phúc lợi cho nhân viên không tính toán đến các trường hợp giúp họ ứng phó với tình huống phát sinh như dịch bệnh. Vì vậy, khi quay trở lại trạng thái bình thường mới, tất cả chế độ phúc lợi cần điều chỉnh lại và cá nhân hóa, đảm bảo cho cán bộ nhân viên yên tâm khi làm việc.
Cũng với tư duy coi nhân viên là tài sản của doanh nghiệp, Zoee Nguyễn – Giám đốc Trải nghiệm thành viên tại Dreamplex cho biết, trước đây, Dreamplex chú trọng trong việc xây dựng môi trường vật lý hỗ trợ cho hoạt động của nhân viên như bàn, ghế ngồi có thoải mái hay không.
Nhưng sau đại dịch, tư duy này đã thay đổi, vì nhân viên không còn cần chỗ để lên check in, check out mà họ cần chỗ để kết nối, tương tác với nhau. Vì vậy, nhân viên của Dreamplex có thể tùy chọn làm việc 30% tại nhà, 70% tại văn phòng hay 50/50, tùy theo tính chất, nhu cầu công việc của họ.
Tuy nhiên, bà Zoee Nguyễn cho biết nhân viên vẫn cần không gian để duy trì sự kết nối với nhau, bởi dù sao vẫn là làm việc giữa người với người chứ chưa phải làm việc 100% với máy móc. Vì vậy Dreamplex chú trọng xây dựng cả trải nghiệm online và offline cho các nhân viên của mình.
“Sự kết nối chiếm vị trí rất quan trọng và chiếm phần lớn thành công trong công việc của mọi người. Với trải nghiệm online để mọi người có thể kết nối với nhau, trong trường hợp một lúc nào đó lại phải quay về làm việc online. Vì vậy chúng tôi vẫn xây dựng những sự kiện online để lãnh đạo kết nối, đào tạo cho nhân viên”, bà Zoee Nguyễn chia sẻ.
Có thể nói, việc doanh nghiệp chú trọng tăng trải nghiệm nhân viên giúp nhân sự có thêm tâm thế mới, động lực mới để trở lại hoạt động. Đặc biệt, việc cải tổ đội ngũ giúp chính bản thân nhân sự được “thay máu”, từ đó giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành theo mô hình mới, thích ứng nhanh chóng với trạng thái bình thường mới của thị trường.