Cựu CEO Dược Hậu Giang - Phạm Thị Việt Nga: Tôi thích khi 'những con cọp được nhốt chung một chuồng'
(DNTO) - “Những con cọp nhốt chung chuồng” chính là cách ví von của vị CEO này khi nói về cách quản trị nhân lực trong doanh nghiệp có nhiều người tài với những cá tính khác biệt nhau. Người lãnh đạo lúc này vô cùng quan trọng để có thể kéo họ cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp.
Đã bước sang tuổi 70, nhưng cựu CEO của Công ty Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Việt Nga vẫn tràn đầy năng lượng và tâm huyết khi nói về những kinh nghiệm quý báu của mình trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực trong doanh nghiệp.
Một vấn đề được bà nhấn mạnh, đó là làm sao tạo được tiếng nói đồng lòng, đoàn kết trong đội ngũ công nhân viên, nhất là khi trong doanh nghiệp có nhiều thế hệ: người mới, người cũ; người trẻ, người có tuổi; nhiều người tài với cá tính mạnh mẽ khác nhau...
Người CEO trong doanh nghiệp lúc này giống người nhạc trưởng, phải dung hòa các nhân viên, kết nối họ.
"Công ty khó khăn chính là môi trường để họ kết nối với nhau, chia sẻ nhau, nhưng khi công ty thành công sẽ tuyển được người tài, đây chính lại là lúc “nhốt những con cọp với nhau”. Làm sao để họ chia sẻ với nhau, vị tha nhau, đồng lòng nhau là điều quan trọng. Lúc này mình phải kết nối, chia sẻ thông tin để mọi người cùng nhau giải quyết", bà Nga cho biết.
Trong một doanh nghiệp luôn xảy ra thực tế là có hai lớp người: Thế hệ trẻ hăng hái và đội ngũ cũ đã cống hiến nhiều để có thành công hôm nay. Và lúc này, "vai trò người CEO rất quan trọng để người cũ và người mới cùng chung mục tiêu, cùng làm việc. Người CEO cần phải nói chuyện với người mới, giúp họ biết chia nhỏ từng bước, thậm chí gánh bớt ý kiến của họ. Ví dụ ý kiến của người mới, sau khi được sự đồng ý của họ, tôi phải nói trước tập thể là ý kiến của tôi, sau khi thành công mới nói của đó là của họ", vị CEO chia sẻ.
"Còn với người cũ, người CEO phải thấy được lòng tin của họ với mình. CEO nói ra là họ đi theo. Và kết quả hai bên cùng đồng lòng", bà Nga tâm sự.
Nếu hai người cùng có năng lực nhưng có cá tính khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau trong đội ngũ nhân viên thì theo bà Nga, điều này cũng không có gì khó khăn với người lãnh đạo. Bà cho biết: "Trong quá trình quản trị tôi không quan tâm, chỉ khi có mâu thuẫn tôi mới xử lý trên nguyên tắc cái nào tốt nhất thì giải quyết, nhưng đừng làm cho người kia tự ái, phải làm họ "tâm phục khẩu phục".
Năng lực con người là cái chung rất khó đánh giá, và bản thân bà không có quan điểm đánh giá ai có năng lực hơn ai. Và việc "Nhốt các con hổ vào chung chuồng" có thể khiến người lãnh đạo mệt mỏi, nhưng đôi khi lại là điều tốt, bởi theo bà: "Tôi nghĩ có những người này thì mới kích người khác giỏi lên được".
Quan trọng nhất là người lãnh đạo phải từng chút, từng chút, để mỗi người nhân viên cảm nhận được ai đúng, ai sai, từ đó giúp họ hiểu nhau hơn. Người lãnh đạo cũng cần sự giãi bày để nhân viên hiểu mình hơn. "Nói vậy họ sẽ đồng hành cùng mình. Giúp họ thấy được giá trị của họ. Người là tiến sĩ kinh tế, dược sĩ hay công nhân vệ sinh... cũng phải làm sao làm họ thấy được vai trò của họ, không có họ công ty không thành công được", bà nhấn mạnh.
Tên tuổi của bà Phạm Thị Việt Nga đã gắn liền với hành trình vươn lên và phát triển của Công ty Dược Hậu Giang. Những bài học của bà trong quản trị nhân lực sẽ vô cùng ý nghĩa với các doanh nghiệp hiện nay.