Founder Việt vẫn khó gọi vốn
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng, cho biết việc yếu về kĩ năng và quản trị khiến founder (nhà sáng lập) khó thuyết phục nhà đầu tư dù ý tưởng tốt.
Hãy về địa phương tìm ý tưởng
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam xếp thứ 54/100 toàn cầu, với khoảng 3.800 startup đang hoạt động, 3 startup kỳ lân là VNG, VNLife và MoMo. Việt Nam cũng thu hút khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup công nghệ Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD năm trước đó.
Bên cạnh vấn đề khó khăn về dòng vốn, việc thiếu và yếu kĩ năng quản trị của các nhà sáng lập cũng khiến startup Việt khó gọi vốn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thời gian đầu khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta rất mong có nhà đầu tư đến hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Nhưng hiện Việt Nam đã có hơn 200 nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên, qua theo dõi, vẫn rất ít ý tưởng khởi nghiệp của Việt Nam thuyết phục được các nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư nói rằng các bạn có ý tưởng nhưng trình bày không thuyết phục. Ý tưởng của người khởi nghiệp phải hiện thực hóa bằng một kế hoạch kinh doanh, một định hướng phát triển cho tương lai và sản phẩm có giá trị cho xã hội. Nhưng khi hỏi các yếu tố đó, các founder của Việt Nam không giải quyết được”, Thứ trưởng nói.
Ông Tùng cho biết rất nhiều người trẻ cho rằng khởi nghiệp để kiếm tiền một cách nhanh nhất. Nhưng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nên tiếp cận với một tâm thế là người tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây là điều hết sức quan trọng. Hãy lấy yêu cầu từ phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong xã hội để đặt ra các vấn đề, tìm cách giải quyết các vấn đề từ tính sáng tạo của mình.
“Gần đây chúng tôi gặp rất nhiều cố vấn khởi nghiệp, phát hiện ra rằng ở các tỉnh, thành phố chúng ta luôn luôn có những sản phẩm đặc thù, những sản phẩm di sản, truyền thống của các tỉnh, thành phố. Rất mong các bạn khởi nghiệp hãy quan tâm đến điều đó, khởi nghiệp từ những giá trị của địa phương để tạo ra giá trị cho mình và xã hội”, Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh.
Đừng ngần ngại tìm "thầy"
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các founder muốn rèn luyện kĩ năng, kinh nghiệm xây dựng và điều hành doanh nghiệp, đừng ngần ngại đến những nơi hỗ trợ khởi nghiệp ở các tỉnh, thành phố, các trung tâm. Hãy tham gia vào các khóa đào tạo do các đơn vị, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang tổ chức trong cả nước.
“Các kiến thức khởi nghiệp của Việt Nam đi cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới, không làm khác thế giới và chúng ta làm như các nước đã và đang làm. Tôi mong muốn các bạn khởi nghiệp kết nối chặt chẽ với mạng lưới khởi nghiệp ở các tỉnh, thành phố cũng như mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu”, ông Tùng nói.
Về phía Bộ Khoa học Công nghệ, kể từ năm 2016 đến nay, kể từ khi Đề án 844 về hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng, nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp luôn được quan tâm. Trong bối cảnh thế giới biến động, năm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được “mở” ra rộng hơn.
Điểm khác là đầu bài được các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, địa phương đặt ra và startup đóng góp ý tưởng để giải quyết. Và những ý tưởng đó khi được giải quyết được doanh nghiệp hấp thụ và đưa vào phương án sản xuát, kinh doanh của tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Như vậy, hệ sinh thái được tiếp thêm một nguồn lực vô cùng lớn từ phía các tập đoàn, tổng công ty, làm cho hệ sinh thái của chúng ta phát triển.
“Những năm trước đại dịch, Bộ đã tổ chức những đoàn đưa ý tưởng khởi nghiệp Việt Nam gặp gỡ các quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Một ý tưởng khởi nghiệp logistics Việt Nam đã thuyết phục được quỹ rót 1 triệu USD đổi lấy 20% công ty. Như vậy một doanh nghiệp Việt Nam, lúc ra đi, hành trang và tài sản chỉ vài trăm triệu đồng, nhân sự chưa đến 10 người. Nhưng tiếp cận được quỹ khởi nghiệp toàn cầu, định giá doanh nghiệp lên tới 5 triệu USD. Đây là sự đánh giá khách quan của thế giới với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”, ông Tùng nhấn mạnh.