Startup, founder ngoại sa lầy tại thị trường Việt Nam
(DNTO) - Sở hữu các mô hình kinh doanh, phong cách làm việc thành công từ quốc tế nhưng nhiều startup lại thất bại khi bước vào thị trường Việt Nam.
Cuối tháng 9 vừa qua, Baemin Việt Nam, liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers của Hàn Quốc, bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và sa thải nhân viên. Hành động này được nhận định có thể là bước chuẩn bị để Baemin rút chân khỏi Việt Nam.
Sau 4 năm bước chân vào đất nước hình chữ S, gã khổng lồ giao hàng Hàn Quốc nắm giữ 12% thị phần giao đồ ăn tại đây, theo Statista. Tuy vậy, việc kinh doanh tại Việt Nam không dễ dàng giống như cách Baemin đã thành công ở Hàn Quốc.
Tại đất nước đang phát triển, bên cạnh chất lượng đồ ăn, người mua hàng quan tâm rất nhiều đến giá cả. Việc ứng dụng cắt giảm mã khuyến mại đồng nghĩa với việc làm mất đi lượng lớn khách hàng, những người cảm thấy 20.000-30.000 đồng phí ship thật lãng phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi hoàn toàn họ có thể bước chân ra quán.
Tương tự, khi sáng lập Kilo, nền tảng thương mại điện tử B2B kết nối các nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ông Kartick Narayan, nhà sáng lập và CEO startup này khá tự tin vì doanh nghiệp MSMEs là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và phục vụ 80% giao dịch mua hàng. Nhưng sau hơn 2 năm hoạt động, dù đã huy động 5 triệu USD vòng Series A, nhưng hiện Kilo được cho là đã “tạm ngừng kinh doanh có thời hạn”.
Bởi thị trường thương mại điện tử B2B Việt Nam vẫn khá mới mẻ, trong khi đó, tới năm 2022, startup này dù có 30.000 nhà bán hàng nhưng khoảng cách so với các đối thủ cùng ngành vẫn còn khá xa. Các nhà sáng lập địa phương như VinShop (100.000 nhà bán hàng) Telio (80.000 đại lý) đã có thâm niên hoạt động, đồng thời hiểu rõ về đặc điểm thương mại trong nước, cách làm việc với các nhà bán nội địa, đã chiếm ưu thế hơn so với Kilo.
Không chỉ Baemin hay Kilo, rất nhiều startup, nhà sáng lập từ nước ngoài rất chật vật khi sinh tồn ở thị trường Việt Nam.
Dựa trên kinh nghiệm hơn 50 năm kết nối với các tập đoàn, nhà đầu tư, phân tích quốc tế vào Việt Nam, bà Lê Thu Lụa, Trưởng Đại diện Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội, cho biết các các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nên đặt mình vào thị trường Việt Nam để biết cách thị trường này hoạt động và đừng bao giờ đánh giá thấp đối thủ cạnh tranh địa phương.
“Đã có startup Hồng Kông đưa sản phẩm smart film (phim điện thông minh – vật liệu tạo độ mờ/trong cho kính thông qua thiết bị tự động) đến Việt Nam. Đó là một công nghệ rất cao mà nhiều toà nhà văn phòng chính quyền Hồng Kông đã áp dụng. Tuy nhiên, họ định vị thương hiệu và giá bán cao nên sau vài tháng, họ cho rằng đây không phải thời điểm tốt để vào Việt Nam. Vì vậy họ chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản”, bà Lụa nêu ví dụ.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết Việt Nam là thị trường khá lớn với 100 triệu dân, văn hoá đa dạng và có sự khác biệt giữa miền Bắc, Trung, Nam nên nếu startup, founder, nhà đầu tư ngoại quốc muốn tham gia có thể bắt đầu với khu vực Hà Nội, TP.HCM và có chiến lược phù hợp để đánh thị trường.
“Người tiêu dùng ở mỗi vùng miền có sự khác nhau về tư duy, thu nhập đầu người , thói quen về truyền thông tiếp thị, thói quen mua sắm…vì vậy các bạn cần nghiên cứu kỹ trước khi bắt đầu vào thị trường”, bà Hằng nói.
Một điểm lưu ý mà đại diện Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội nhắc đến là cần xây dựng mối quan hệ hợp tác với người dân, đại lý đối tác, các tổ chức và thậm chí là chính quyền địa phương. Đây chính là “chìa khoá” thành công vì đôi khi có những sản phẩm bán rất tốt ở thị trường khác nhưng không thể bán nó ở Việt Nam.
“Nhà sáng lập một startup Hàn Quốc đã chia sẻ với chúng tôi rằng trước khi vào Việt Nam, anh ấy cũng tham dự một số loại chương trình tăng tốc khởi nghiệp của các tổ chức địa phương. Anh ấy cũng đến rất nhiều sự kiện để biết về phong tục cũng như tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương. Sau đó tùy chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp và cung cấp cho thị trường Việt Nam”, bà Lụa chia sẻ.
Còn Chủ tịch BambuUP nhắc đến sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. Do Việt Nam là thị trường đông dân và linh hoạt văn hoá nên với người Việt Nam, mỗi ngày là một ngày mới. Vì vậy các startup, doanh nghiệp quốc tế tại đây luôn phải sẵn sàng chào đón những xu hướng mới.
“Nếu bạn cứ giữ và áp dụng chiến lược kinh doanh 5 năm về trước và cứ vậy áp dụng lặp lại những chiến lược đó thì khó có thể bắt trước được nhịp độ thay đổi của thị trường Việt Nam”, bà Hằng khuyến nghị.