Quỹ đầu tư sau thời kỳ xuống tiền nóng vội: Không còn chỗ cho dự án ‘white paper’
(DNTO) - Quỹ đầu tư đã phải trả giá cho giai đoạn xuống tiền nóng vội, nên giờ đây, những startup không có gì ngoài ý tưởng sẽ rất khó để gọi vốn.
Dự án ‘giấy’ không còn cửa
Quý 2 năm nay, các startup tiền điện tử và blockchain toàn cầu chỉ huy động được 2,32 tỷ USD, đánh dấu một chu kì thấp mới và thấp nhất kể từ quý 4 năm 2020, tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu sau mức cao nhất là 13 tỷ USD vào quý 1/2022 (theo công ty đầu tư tiền điện tử Galaxy Digital).
Cùng với đó 10 quỹ VC (đầu tư mạo hiểm) tiền điện tử mới chỉ huy động được 720 triệu USD, số tiền thấp nhất kể từ quý 3/2020, khi bắt đầu đại dịch Coivd-19. Trong tháng 7, dòng vốn mạo hiểm đầu tư vào thị trường blockchain đã giảm 43% xuống còn 1,98 tỷ USD so với 3,5 tỷ USD của tháng 6, tổng số giao dịch cũng giảm 26%, theo Cointelegraph Research.
“Hiện các quỹ lớn đều trải qua giai đoạn rất ‘đẫm máu’, họ bị ‘rướm máu’ rất nhiều trong mùa vừa qua. Nếu startup xây dựng dự án tương tự như mùa trước, ngay lập tức họ sẽ đưa ra trường hợp đã thất bại tương tự để từ chối”, ông Cris Duy Trần, Cố vấn sáng lập Blockchain VinUniversity, cho biết.
Ông Dự Nguyễn, CEO, Nhà sáng lập The Data Nerd (startup xây dựng cộng đồng chia sẻ kiến thức về thị trường crypto), cho biết khó khăn lớn nhất của startup là chứng minh bài toán mình giải quyết có thực. Đó là lý do startup này loay hoay khá nhiều trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ thực sự có giá trị cho khách hàng, thị trường.
“Điều này rất quan trọng nhất ở trong Web3 (thế hệ thứ 3 của internet) và Bear Market (thị trường giảm) như hiện tại. Nếu trong giai đoạn Bull Market (thị trường tăng), dự án có thể nằm trên giấy vẫn có thể kết nối với nhà đầu tư. Nhưng trong giai đoạn này, quan trọng nhất vẫn là lực kéo, startup phải chứng minh được mình mang lại giá trị cho người dùng”, ông Dự nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hữu Tuấn, Nhà sáng lập & CEO Area53 Network (nhà phát triển trò chơi trên không gian ảo) thừa nhận, bắt đầu từ tháng 8/2021, thị trường đang ở giai đoạn uptrend nên mọi thứ rất dễ dàng. Lúc đó, Area53 Network chỉ có website, mini game, đồ họa 2D và white paper (bản giới thiệu chi tiết dự án)… vẫn dễ dàng gọi vốn. Tuy nhiên, đây không phải là cách startup đi đường dài.
“Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng sản phẩm chỉn chu, đầu tư về con người, mở rộng đối tác và có lộ trình dài hơi. Chúng tôi muốn kết hợp với các thương hiệu truyền thống, để đưa ra các voucher NFT (tài sản được số hóa) cho người chơi, từ voucher NFT đó, người dùng có thể sử dụng để mua các sản phẩm thực tế”, ông Tuấn nói.
Cách ‘lọt mắt xanh’ nhà đầu tư
Theo Ông Cris Duy Trần, các quỹ đầu tư hiện vẫn có tiền để rót cho startup, điều quan trọng là startup phải chuẩn bị thật kĩ câu trả lời để giải quyết ổn thỏa những câu hỏi của họ.
“Tôi mới làm việc cùng các quỹ lớn, họ đưa ra ví dụ về 2 dự án ở tầm quốc tế, định giá vài chục triệu đến vài trăm triệu USD. Họ nhận định là dự án đó hiện tại đang thất bại. Nếu bạn đi theo con đường đó thì sẽ giải quyết bài toán đó như thế nào. Câu hỏi đó cũng khá ngẫu nhiên thôi nhưng nếu bạn thực sự có sự chuẩn bị thì sẽ trả lời được.
Ví dụ lợi thế của mình là đến từ Việt Nam, một trong những quốc gia rất đam mê về blockchain và crypto. Đó là một lợi thế vì đôi khi các dự án khác họ xây dựng dựng ở những nước không có đủ lực đẩy cho crypto lại là câu chuyện khác. Sản phẩm có thể hay nhưng trong thời gian ngắn không có người dùng thì cũng thất bại. Phải biết được những điểm đặc thù, riêng biệt của bạn để thương lượng với VC”, ông Cris nêu ví dụ.
Còn với kinh nghiệm gọi vốn của Area53 Network, ông Trần Hữu Tuấn cho biết, ở Việt Nam hay tiếp cận các quỹ nước ngoài thông qua các đại diện của họ ở Việt Nam. Việt Nam hiện cũng tạo ra những nhóm, hub để các founder dự án và các quỹ có thể làm việc và gặp được nhau, tổ chức event để tiếp cận thông tin của nhau. Từ các thông tin đó, các startup cũng phải xây dựng đội ngũ để tham gia kết nối với các bên. Ngoài ra, startup nên tham dự các sự kiện lớn ở Dubai, Singapore hay Mỹ để bộ phận phát triển kinh doanh tiếp cận với các quỹ đầu tư.
“Mình sẽ thể hiện tất cả mọi thứ của dự án nhiều nhất có thể và chuẩn bị các phần liên quan. Tất nhiên sản phẩm phải chỉn chu, tài liệu đi kèm phải chỉn chu và đặc biệt các mô hình kinh tế đủ thuyết phục nhà đầu tư. Có thể mình gửi đến 10 quỹ nhưng may mắn chỉ có 1-2 quỹ họ có ý định đầu tư, khi đó mình phải kết nối và làm việc với họ thường xuyên”, ông Trần Hữu Tuấn chia sẻ.