Tiền ít nhưng vẫn muốn giữ chân nhân tài, founder tìm cách 'cắt máu'
(DNTO) - Các founder (nhà sáng lập) đang phải tăng pha loãng cổ phần để giữ chân nhân tài, trong bối cảnh nguồn vốn huy động ngày càng khó khăn.
“Mùa đông” gọi vốn vẫn chưa kết thúc buộc các nhà sáng lập phải làm nhiều hơn, chi ít hơn nhưng vẫn phải đảm bảo startup hoạt động để lợi nhuận và tạo dòng tiền dương.
Chế độ đãi ngộ cho nhân tài công nghệ bắt đầu bất ổn vào đầu năm 2022, đánh dấu bằng việc crypto thoái trào và làn sóng sa thải nhân viên từ những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Microsoft, Shopee, GoTo...
Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2023 khi các startup công nghệ buộc cắt giảm chi phí và kéo dài thời gian hoạt động thêm 12-36 tháng nữa, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư và nhà sáng lập dự đoán sẽ có nhiều thách thức trong việc kêu gọi vốn năm nay.
“Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng lương cơ bản cho các CEO sẽ giảm trong vài năm tới. Trong thời điểm mà bạn đang cắt giảm tiền thưởng, tái cơ cấu và tái cấu trúc đội ngũ nhân lực, thì tốt hơn hết là đóng băng hoặc cắt giảm lương của các giám đốc điều hành cấp cao.” Lingga Madu, đối tác của Monk’s Hill Ventures cho biết.
Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ tốt, startup thất bại hay thành công phần lớn do việc vận hành, quản lý đội nhóm. Như vậy, việc tập trung xây dựng, nâng cao năng lực cho đội nhóm, từ nâng cao cho đến quản lý là mấu chốt rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty Tư vấn và Giáo dục John&Partners cho biết, startup cần đặt ra câu hỏi có cần nhân tài hay không. Nếu startup không có nhân tài thì có thất bại hay không. Bởi đôi lúc một doanh nghiệp chỉ cần 1 nhân tài, có 2 nhân tài chưa chắc đã tốt.
“1 nhân tài với những nhân sự thông thường khác, thì cái startup hoạt động vẫn chiến thắng được thị trường thì đó mới là điều startup nên cần hướng tới”, ông Trung nói.
Nếu không có đủ tiền để thu hút nhân tài, theo ông Trung startup phải thu hút nhân tài bằng những thứ tương đương tiền. Lúc này startup phải bán, chia sẻ giấc mơ với nhân tài, để cho họ thấy đến một lúc nào đó, họ sẽ được phần thưởng. “Định nghĩa đơn giản là phải chia cổ phần cho họ”, ông Trung nói.
Thực tế, các startup Đông Nam Á đã nhanh chóng thực hiện điều này. Theo khảo sát của mạng lưới nhân sự Glints, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế so với vốn chủ sở hữu trong khu vực. Trong khi 86% các công ty được khảo sát có phát hành ESOP (cổ phiếu cho người lao động), trung bình, ESOP chỉ dành cho 1/3 nhân tài của họ.
“Nhiều CEO đang thực hiện pha loãng vốn chủ sở hữu nhiều hơn, có thể là do những khó khăn hiện tại. Chúng tôi nhận thấy vốn chủ sở hữu của các CEO giảm 5% trong giai đoạn gọi vốn 5-10 triệu đô la so với năm 2021”, Báo cáo Nhân tài Đông Nam Á của Glints nhận định.
Cũng theo Glins, khi các công ty tập trung vào con đường dẫn đến lợi nhuận và dòng tiền dương trong năm nay, phân khúc vị trí hàng đầu mà các công ty ưu tiên tuyển dụng trong năm 2023 trên khắp các thị trường là kỹ thuật (Engineering), phát triển kinh doanh & bán hàng, marketing & PR.
Việt Nam hiện tại là thị trường năng động, nhân lực giá rẻ nên cũng là điểm đặt chân của nhiều startup trên thế giới. Ông Bùi Thành Đô, CEO Quỹ đầu tư ThinkZoneVentures cho biết, những năm gần đây, làn sóng các founder Việt kiều về nước khởi nghiệp rất lớn. Bởi ở Việt Nam hiện có nhiều cơ hội về thị trường, cơ hội về vốn khi có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng đầu tư tại thị trường Việt Nam, thay vì ở nước ngoài, tỉ lệ chọi huy động vốn từ một quỹ đầu tư lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cùng với một số tiền kêu gọi, tại Việt Nam, các bạn có thể duy trì công ty dài hơi hơn, mức chi trả mặt bằng, nhân sự rẻ hơn.
“Có rất nhiều kĩ năng mà Việt Nam có thể đáp ứng được về con người, nhân sự. Ngoài ra hiện nay kinh doanh internet toàn cầu, không nhất thiết phải ngồi ở đâu”, ông Đô nói.